MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng chục tỷ USD vốn ngoại đang “ngóng” vào miền Trung

Mặc dù sở hữu những tiềm năng, lợi thế khác biệt không nhiều quốc gia có nhưng việc thu hút vốn đầu tư vào vùng Duyên hải miền Trung vẫn đang cho thấy sự mất tương xứng.

Vốn đăng ký đang “nghẽn” lại

Báo cáo sơ kết của 8 Ban quản lý các KCN-KCX-KKT các tỉnh Duyên hải miền Trung vừa cho biết, trong nửa đầu năm 2014, đã thu hút 23 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 185,17 triệu USD và 2.624 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên 15 ngàn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD; giải quyết việc làm mới cho trên 7.000 lao động.

Vùng Duyên hải miền Trung hiện có 7 KKT và 54 KCN; cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư với 6 sân bay, trong đó có 4 sân bay quốc tế, 12 cảng biển với nhiều cảng nước sâu có công suất lớn như cảng Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Vũng Rô…

Giai đoạn 2007-2012, vùng có tốc độ tăng trưởng trung bình luôn đạt mức cao 11,6%, tốc độ tăng GDP năm 2012 đạt 8,82% so với năm 2011, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của cả nước là 5%. GDP bình quân đầu người năm 2012 cũng đã đạt trên 30 triệu đồng, tăng bình quân 23,5%/năm.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, giai đoạn từ năm 2007 đến nay, một làn sóng đầu tư mới đã đổ vào khu vực này với hơn 400 dự án và 23 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm đến 56% tổng số dự án và 91% tổng số vốn đăng ký đầu tư của khu vực.

Có 2 lĩnh vực thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư là các dự án đầu tư vào du lịch và công nghiệp.

Dự án đầu tư ngành du lịch tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Định.

Trong khi đó, tại các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà thì hầu hết lượng vốn đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp với tỷ lệ khoảng 50-60%.

Tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm của các Ban quản lý KCN-KCX-KKT vùng Duyên hải miền Trung vừa diễn ra, nhiều ý kiến tham luận đều cho rằng, hoạt động thu hút vốn đầu tư vào các KCN trong vùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Đặc biệt, những tranh chấp trên biển Đông gần đây nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động này.

Tiềm năng lớn vẫn bị bỏ ngỏ

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vùng Duyên hải miền Trung còn nhiều dư địa để thu hút vốn đầu tư lớn, đặc biệt là các siêu dự án có quy mô hàng tỷ USD.

Trong làn sóng đầu tư mới giai đoạn 5 năm vừa qua, nhiều địa phương trong vùng đã tận dụng khai thác được thế mạnh, tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ với các dự án quy mô lớn.

Tất cả các tỉnh, thành trong vùng đều giáp biển với chiều dài lên tới 1.430 km, chiếm 43,8% bờ biển cả nước (3.260 km).

Bên cạnh bờ biển dài với các bãi biển nổi tiếng như Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, Mũi Né… rất thuận lợi để vùng phát triển du lịch và các ngành công nghiệp khai thác, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác khoáng sản biển…

Duyên hải miền Trung còn đậm đặc về tài nguyên khoáng sản, ngoài các khoáng sản kim loại như: Titan phân bố gần như ở tất cả các tỉnh, nhất là ở Bình Định và Bình Thuận; vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá granite...

Vùng còn có các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí; nguồn năng lượng gió rất quan trọng.

Đây là cơ hội để tập trung phát triển các ngành công nghiệp như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông - lâm - thủy sản, hóa chất, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, dệt may, da giày…

Đặc biệt, vùng Duyên hải miền Trung có thể coi là nơi có lợi thế tự nhiên lớn nhất Việt Nam về kinh tế biển.

Đây cũng là địa bàn thể hiện lợi thế đặc trưng của Việt Nam về kinh tế biển trong quan hệ cạnh tranh kinh tế khu vực và toàn cầu.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, lợi thế cạnh tranh về kinh tế biển Duyên hải miền Trung nổi bật ở 4 lĩnh vực: Ngư nghiệp; Du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo; Cảng biển và các dịch vụ logistics; Phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển.

Với mặt tiền là Thái Bình Dương, khu vực này đặc biệt lợi thế để phát triển kinh tế hướng ra biển, nối kết với lục địa phía Tây (thông qua các trục Hành lang Đông - Tây) mà ít quốc gia nào trong khu vực có được.

Dự án động lực sẽ là “chìa khóa”

Trong nhiều năm qua, tận dụng những lợi thế khác biệt đó, không ít tập đoàn lớn của nước ngoài đã và đang nhanh chân tìm cho mình nơi để đặt đại bản doanh với nhiều dự án tỷ đô.

Hàng loạt dự án lớn được đầu tư bởi các tập đoàn doanh tiếng trên thế giới đã cập bến miền Trung Việt Nam như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Fomorsa, DoosanVina, Thép Guang Lian, Nhiệt điện Semcorp, Nam Hội An…

Từ thành công của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, gần đây hàng loạt dự án lọc hóa dầu có quy mô lớn đang và sẽ được triển khai tại khu vực miền Trung.

Những Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô – một chuỗi các dự án lọc hóa dầu với quy mô lớn sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đáng chú ý nhất trong đó là việc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đang muốn đổ vốn đầu tư Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 27 tỷ USD.

Theo thông tin từ Ban quản ký Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), hiện nhà đầu tư và tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động để có phương án đầu tư khả thi trình Chính phủ phê duyệt.

Nếu siêu dự án này được chấp thuận, sẽ là cuộc bùng nổ về vốn FDI của khu vực miền Trung trên bản đồ FDI của Việt Nam.

Một tin vui nữa đối với Việt Nam đó là việc Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đang dự kiến đầu tư dự án Cụm Khí - Điện quy mô tới 20 tỷ USD ở khu vực này. Mục tiêu để đưa khí vào bờ và xây dựng các nhà máy khí điện.

Hiện tập đoàn này đang khảo sát các địa điểm thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi để lên phương án quyết định đầu tư.

Trong trường hợp, các siêu dự án này được thông qua sớm, không chỉ hàng vài chục tỷ USD ngoại tệ vốn đăng ký, sẽ có thêm hàng trăm công ty vệ tinh sẽ ùn ùn đổ về khu vực này để sản xuất kinh doanh phục vụ cho các siêu dự án.

Và tất nhiên, đằng sau các dự án động lực kể trên, sẽ là cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách, góp phần cải thiện đời sống xã hội, an ninh, quốc phòng.

>>>

Theo Vũ Minh

cucpth

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên