MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết lạm phát, đến thiểu phát

Lạm phát giống như bị huyết áp cao, dễ bị nguy kịch. Còn thiểu phát giống như bị huyết áp thấp, xỉu dần. Cả hai căn bệnh này đều khó chữa.

Lạm phát là sự mất giá của đồng tiền, hay giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng cao. Việt Nam trong hơn hai mươi năm qua đã trải qua các thời kỳ lạm phát đáng chú ý.

Quy luật

Đó là thời kỳ 1986 – 1991, với tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm lên đến 146,3%, trong đó có những năm tăng rất cao. Đó là hai năm 1994 – 1995, với tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân là 13,5%. Đó là thời kỳ 2007 – 2008 với tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 18,2%, trong đó ước tính năm 2008 tăng 24%.

Thiểu phát là sự lên giá của đồng tiền, hay giá cả hàng hoá và dịch vụ giảm. Việt Nam trong hơn hai mươi năm qua cũng đã trải qua một số năm có thể được coi là thiểu phát. Đó là năm 1993, giá tiêu dùng chỉ tăng 5,2%, mặc dù năm đó thực hiện chế độ lương mới với sự tăng lên khá. Hai năm 1996 – 1997,  các năm từ 1999 – 2003 cũng có thể được coi là thiểu phát – bình quân năm trong thời kỳ này tăng 1,44%.

Như vậy, sau thời kỳ lạm phát cao thường có một năm hay một số năm thiểu phát, do tác động của hai yếu tố. Một yếu tố có tính chất toán học so sánh: khi số gốc cao thì tốc độ tăng sẽ thấp. Một yếu tố do tác động là độ trễ của các biện pháp kiềm chế lạm phát.

Ai gánh chịu hậu quả?

Đối với người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, khi lạm phát, sẽ là người đầu tiên, trực tiếp bị ảnh hưởng lớn nhất. Cùng một số tiền, nhưng do giá hàng hoá, dịch vụ tăng lên mua được ít hơn. Một bộ phận không nhỏ còn phải giảm khẩu phần, “thắt lưng buộc bụng”. Khi thiểu phát, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi đầu tiên, trực tiếp và lớn nhất.

Đối với nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh thì cả lạm phát và thiểu phát đều không có lợi.

Đối với nhà đầu tư, khi lạm phát, một mặt, lượng vốn đầu tư sẽ không dồi dào được như cũ. Mặt khác, cùng một lượng vốn đầu tư nhưng do giá, chi phí tăng... nên khối lượng thi công bị giảm...

Khi thiểu phát, chi phí vay vốn thấp hơn, nhưng lượng vốn đầu tư lại ít hơn và quan trọng hơn là đầu tư xong mà giá giảm hơn thì tiêu thụ sẽ gặp khó khăn.

Đối với người sản xuất kinh doanh, khi lạm phát thì chi phí đầu vào tăng, nếu giá cả đầu ra tăng cao hơn thì có lãi, nếu đầu ra tăng thấp hơn thì lỗ; chu kỳ này thì lãi đấy, nhưng quay lại mua nguyên nhiên vật liệu sản xuất thì giá lại cao rồi. Nếu hạch toán không đúng, tưởng rằng lãi nhưng hoá ra là lỗ. Khi lạm phát cao, thì tiền tệ sẽ bị thắt chặt, khi đó người sản xuất, kinh doanh khó tiếp cận vốn.

Khi thiểu phát, chi phí nguyên nhiên vật liệu giảm, chi phí vay vốn giảm, nhưng khâu tiêu thụ giá còn giảm hơn. Ở chu kỳ sau, giá nguyên nhiên vật liệu còn thấp xa so với chu kỳ trước, nhưng trên sổ sách người sản xuất vẫn bị lỗ, mặc dù đó là “lỗ giả, lãi thật”.

Có hai điểm đáng chú ý trong thời gian thiểu phát. Điểm thứ nhất, người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi giá sẽ giảm xuống nữa nên chưa mua, làm giảm nhu cầu đối với sản xuất. Điểm thứ hai là hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ gia tăng, và sẽ càng mạnh nếu trên thế giới cũng bị thiểu phát (như hiện nay đã xuất hiện). Khi đó, nhập siêu sẽ gia tăng, mà lại là nhập siêu giảm phát, làm cho sản xuất trong nước càng trì trệ.

Thay đổi mục tiêu ưu tiên

Đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, khi lạm phát thì phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế tiền ra lưu thông, giảm tốc độ tăng dư nợ tín dụng nên việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ khó khăn… tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi thiểu phát lại phải nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng, nhưng doanh nghiệp cũng không tăng vay do tâm lý chờ đợi giảm nữa mới vay…

Nếu dùng hình ảnh, thì lạm phát giống như bị huyết áp cao, dễ bị nguy kịch; còn thiểu phát giống như bị huyết áp thấp, xỉu dần. Trị thiểu phát là việc khó khăn, nếu tăng cung tiền không khéo thì lại sợ tái lạm phát (mà tái lạm phát nguy hiểm hơn là lạm phát).

Mặc dù kinh tế trong nước chưa chuyển hẳn sang thiểu phát, nhưng dấu hiệu của thiểu phát đã xuất hiện; dấu hiệu này lại cộng hưởng với nhập khẩu thiểu phát của thế giới.

Đây là điều cảnh báo để các nhà hoạch định chính sách vĩ mô tham khảo và có giải pháp phù hợp. Ngay từ mục tiêu và giải pháp năm 2009, có thể không nên dùng cụm từ ưu tiên kiềm chế lạm phát mà nên ưu tiên chống nguy cơ khủng hoảng và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Theo Minh Anh
SGTT

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên