Hiến kế cho “cuộc chơi” hội nhập
Các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài sôi nổi hiến kế giúp đất nước sẵn sàng sân chơi hội nhập...
- 08-06-2015“Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì hội nhập mới được 50%”
- 18-02-2015TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhưng mức độ hội nhập rất cao
Lần đầu tiên quy tụ tại diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam ngày 7/6/2015, ở góc độ từ nước ngoài nhìn về quê hương, các chuyên gia sôi nổi hiến kế giúp đất nước sẵn sàng trong sân chơi hội nhập.
“Hội nhập là con đường bắt buộc trải qua, không thể không đi, dù đầy rủi ro. Trách nhiệm của các chuyên gia là đóng góp ý kiến, hiến kế làm giảm rủi ro, mang lại sự thuận lợi để giúp cho nền kinh tế nước nhà vững bước trong cuộc chơi này”, GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc nghiên cứu IPAG Business School - Đại học Paris 1, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp, nói.
Phải có sức đề kháng tốt
Quan tâm đến hệ thống tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, GS. Khương cho rằng, quá trình tự do hóa tài chính đã diễn ra ở cả hai cấp độ (trong nước và quốc tế), nhưng tiến trình mở cửa thị trường chưa được rõ ràng.
Khi đặt Việt Nam trong sự vận động chung của hệ thống tài chính quốc tế thì dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối của thị trường vốn với sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực ngân hàng.
Thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ, chưa được doanh nghiệp trong nước coi như một nguồn vốn ổn định và hiệu quả.
Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Khương là, các tổ chức tài chính còn chưa đạt đến độ chắc chắn cần thiết, các định chế quản lý tài chính còn chưa sát thực với điều kiện thị trường, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, thị trường tài chính đang có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài do nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định và có sức “đề kháng” tốt đối với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính tại ngân hàng Mỹ, Đức đánh giá, ngành ngân hàng đã phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian 10 năm qua, nhưng hiện nay đang đứng trước những thách thức rất lớn và đang trong quá trình điều chỉnh và cải cách để tiến đến một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững và ổn định.
Hơn nữa, Việt Nam ngày càng tiến sâu vào hội nhập toàn cầu với sự tham gia của nhiều hiệp định thương mại quốc tế, điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các hiệp định này đưa ra những điều kiện và yêu cầu cho ngành ngân hàng Việt Nam hội nhập thế giới.
Ông Hiếu còn nhận xét thêm là hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở trong tình trạng phát triển tương đối thấp so với các nước trong khu vực.
Phải quản lý được rủi ro
“Để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những cú sốc đến nội bộ nền kinh tế và đến từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, chúng ta cũng không có cách nào khác là phải tham gia vào cuộc chơi có tính bắt buộc của tự do hóa tài chính, đồng thời, biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó”, GS. Khương nói. “Các giải pháp có thể được chia làm ba nhóm là tạo dựng, củng cố lòng tin lâu dài của nhà đầu tư; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; xây dựng văn hóa đầu tư và quản trị doanh nghiệp”.
Về việc tạo dựng, củng cố lòng tin lâu dài của nhà đầu tư, ông Khương phản ánh, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, rất quan tâm đến thị trường Việt Nam với nhiều cơ hội đầu tư sinh lời cao, nhưng e ngại khi đầu tư vào vì mức độ rủi ro cao (rủi ro tài chính, kinh tế và chính trị).
Tuy nhiên, điều mà họ quan tâm lại không phải là mức độ rủi ro mà chính là tính minh bạch của môi trường tài chính vĩ mô và môi trường pháp lý. Đối với họ, rủi ro có thể quản lý thông qua nhiều kỹ thuật tài chính khác nhau.
Để tạo dựng và củng cố được lòng tin lâu dài của nhà đầu tư - cơ sở để nâng cao sự hấp dẫn, hiệu quả và vai trò của thị trường chứng khoán, GS. Khương cho rằng, môi trường pháp lý cần phải thể hiện rõ ràng việc đảm bảo quyền sở hữu, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, tính thực thi của các hợp đồng pháp lý, nghiên cứu và đưa ra các quy định rõ ràng về quyền sở hữu nước ngoài...
“Mặc dù quá trình tái cơ cấu đã đem lại những ổn định bước đầu cho hệ thống ngân hàng, nhưng để hội nhập tốt trong các hoạt động tài chính quốc tế (thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương) thì các tiêu chuẩn quản lý rủi ro quốc tế (công ước Basel) cần phải được nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, ông Khương nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu
TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt ra một câu hỏi rằng, ngành ngân hàng Việt Nam cần chuẩn bị gì cho hội nhập? Khi thị trường tài chính - ngân hàng được mở cửa tự do cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tích cực lẫn tiêu cực.
Với dân số trên 90 triệu người, thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho các định chế tài chính lớn của các nước thành viên, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với các ngân hàng trong nước, nhất là khi những rào cản về đầu tư, pháp lý sẽ được gỡ bỏ cho các ngân hàng lớn trong khu vực TPP xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Cũng trong góc nhìn hội nhập, TS. Hiếu thấy rằng, một vài ngân hàng có vốn nhà nước đã tìm cách vươn ra thị trường quốc tế trong những năm qua, qua việc mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Tuy nhiên, quy mô hoạt động của các đơn vị này tại nước ngoài còn rất hạn chế, do đó, việc thâm nhập của các ngân hàng Việt vào cộng đồng ngân hàng thế giới còn rất giới hạn. “Đã có ngân hàng nào của chúng ta sẵn sàng đương đầu với hội nhập chưa? Tôi chưa thấy”, TS Hiếu lo ngại.
Nhận định “việc chuẩn bị của ngành ngân hàng Việt Nam cho hội nhập trở nên cấp thiết”, vị chuyên gia tài chính này phân tích ở góc độ vĩ mô, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu rút xuống chỉ còn khoảng 15 ngân hàng thương mại, tuy nhiên, việc tái cơ cấu không chỉ tập trung vào số lượng mà về thực chất các ngân hàng phải được cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước quốc tế, tiếp cận Basel II trong vòng 2-3 năm tới. Dưới góc độ vi mô, các ngân hàng phải xây dựng được chiến lược cạnh tranh liên quan đến hội nhập quốc tế.
“Việc hội nhập là một cuộc chơi mới cho các ngân hàng Việt Nam. Trong quá khứ cũng như hiện tại, các ngân hàng trong nước được bảo vệ qua các rào cản pháp lý và kỹ thuật. Nhưng với các hiệp định thương mại quốc tế sắp tới, những biện pháp phòng thủ này sẽ dần bị gỡ bỏ và các ngân hàng sẽ phải tồn tại với chính năng lực của mình. Thời điểm này đang đến rất gần”, ông Hiếu nói.
Chia sẻ cùng giới chuyên gia, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, “từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu thời kỳ hội nhập mạnh mẽ thì đó cũng chính là thời điểm diễn ra cuộc suy thoái của kinh tế thế giới. Ra biển lớn là gặp ngay sóng cả. Nhưng chúng ta không ngã tay chèo. Hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển ngày càng ổn định và lành mạnh”.