Hiệp định thương mại tự do Việt-Hàn: Cơ hội song hành thách thức
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) chính thức được ký kết với nội dung được thỏa thuận dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Xung quanh những cơ hội và thách thức của Hiệp định này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn đàm phán VKFTA.
VKFTA vừa được ký kết là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu nước ta sang Hàn Quốc. Ông có thể cho biết, Hiệp định này mang lại tiềm năng, thuận lợi cũng như thách thức như thế nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam?
Ông Bùi Huy Sơn: VKFTA vừa được ký kết vào ngày 5/5 là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi rộng, mức độ tự do cam kết cao và cân bằng lợi ích của cả hai bên. Do vậy, Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích tích cực cụ thể đối với kinh tế Việt Nam, đồng thời nó cũng đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp không ít thách thức.
Trước hết về những lợi ích xuất khẩu, Việt Nam có cơ hội mở cửa thị trường chưa từng ở Hàn Quốc với nhiều nhóm hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, hoa quả, dệt may, giày dép và kể cả nhóm hàng điện tử mà chúng ta đang có khả năng xuất khẩu rất mạnh, hàng đồ gỗ. Đây là những nhóm hàng đứng đầu trong các nhóm hàng xuất khẩu và đều được cam kết mở cửa thị trường rất mạnh mẽ từ phía bạn.
Riêng đối với nhóm hàng nông, thủy sản, đây là lần đầu tiên phía Hàn Quốc mở cửa với những nhóm hàng vô cùng nhạy cảm này. Sự nhạy cảm thể hiện ở mức thuế hiện nay ở Hàn Quốc lên tới 200%, một số nhóm hàng 400%, nhưng Hàn Quốc đã cam kết mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan đối với Việt Nam. Chẳng hạn như các mặt hàng tỏi, gừng và một số nhóm hàng nông sản khác là nhóm hàng rất quan trọng với nông dân.
Lợi ích thứ hai, Việt Nam có điều kiện nhập khẩu nhiều nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và phục vụ xuất khẩu sang các nước thứ 3 với chi phí thấp hơn khi chúng ta thực hiện mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan. Đơn cử như với nhóm mặt hàng phụ liệu dệt may, nguyên vật liệu da giày, nguyên vật liệu nhựa và kể cả nhóm phụ tùng ôtô đều có cam kết mở cửa thị trường để cân bằng trở lại đối với phía Hàn Quốc.
Về mặt vĩ mô, ngoài cái tác động lớn liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, khả năng tăng cường hơn nữa về hoạt động thu hút đầu tư từ Hàn Quốc là hết sức quan trọng. Trên thực tế, Hàn Quốc là nước có nguồn vốn cũng như là công nghệ, năng lực quản lý cao. Hiện nay, nước này đã trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới trong nhóm các nước OECD và cũng thấy rất rõ khi sự hiện diện của Hàn Quốc với tư cách là quốc gia đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Đến tháng Ba năm nay, Hàn Quốc đã có 83,1 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam với gần 4,300 dự án. Trên nền tảng như vậy, các cam kết mở cửa thị trường, bảo hộ khuyến khích đầu tư cũng như môi trường kinh doanh thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế, ồn định và bền vững sẽ tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Nhóm lợi ích thứ 3 là nhóm lợi ích về xã hội, đối ngoại. Trong quá trình đàm phán, các nhóm hàng được hưởng lợi nhất và có cơ hội phát triển xuất khẩu sang Hàn Quốc đều là những nhóm hàng sử dụng nhiều lao động và tạo cho cơ hội tạo thêm công ăn việc làm cũng như tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động Việt Nam.
Trước khi tiến hành đàm phán, hai bên đã nghiên cứu học thuận một cách độc lập về tác động của Hiệp định này. Hai bên đều thống nhất một kết quả là các lợi ích về công ăn việc làm và thu nhập, đặc biệt cho nhóm có thu nhập thấp và trung bình của Việt Nam. Cụ thể là những người làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, công nhân và nông dân sản xuất nông thủy sản đều thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp thì được hưởng lợi nhờ Hiệp định.
Tác động về mặt chính trị-xã hội cũng rất rõ vì Hàn Quốc đã là nước đối tác, hợp tác chiến lược của Việt Nam và là một trong những nước đối tác quan trọng của chúng ta trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, việc tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại thông qua hiệp định song phương sẽ củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này.
Chúng tôi hy vọng với sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước và sự thiết thực mang lại của Hiệp định, cộng đồng doanh nghiệp cũng như là người dân của hai nước sẽ tích cực triển khai để được hưởng lợi ích mà VKFTA mang lại.
Theo ông, những thách thức khi xuất khẩu sang Hàn Quốc là gì và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu tâm vấn đề gì ?
Ông Bùi Huy Sơn: Với một Hiệp định phạm vi rộng và mức độ tự do hóa cao như vậy chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Thách thức không hoàn toàn chỉ xuất phát riêng từ VKFTA mà là thách thức chung trong tiến trình khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa cho các nền kinh tế khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế lớn hơn và phát triển hơn chúng ta.
Trước hết, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, yêu cầu về môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng theo chuẩn của quốc tế đòi hỏi các cơ quan Nhà nước kiện toàn hệ thống quy phạm pháp luật theo các cam kết đã ký kết với đối tác.
Thứ hai, phải nâng cao được năng lực của đội ngũ cán bộ trong chính quá trình triển khai vì chúng ta sẽ tiến hành giao thiệp với đối tác là các doanh nghiệp có năng lực quản lý, có trình độ chuyên môn.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, rõ ràng thách thức lớn nhất là cạnh tranh. Đầu tiên là cạnh tranh với thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường Hàn Quốc. Các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nhưng nếu không khai thác được thì chúng ta sẽ chịu rất nhiều rủi ro. Tại thị trường Việt Nam khi mở cửa thị trường, các doanh nghiệp Hàn Quốc có điều kiện thâm nhập thị trường thuận lợi hơn và doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh.
Đối với người dân, về cơ bản chúng tôi không thấy những thách thức gì quá lớn mà chủ yếu là lợi ích mang lại khi mà người dân với tư cách là người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với nguồn hàng hóa rẻ hơn, phong phú, đa dạng hơn về chủng loại mẫu mã và đặc biệt là chất lượng khá hơn.
Về phía ngành Công Thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng thời cơ này để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, trong thời gian tới, ngành sẽ có giải pháp nào?
Ông Bùi Huy Sơn: Từ nhiều năm qua, Cục Xúc tiến Thương mại đã triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước cũng như tăng cường thương mại đối với các khu vực biên giới và hải đảo theo chỉ đạo của Chính phủ.
Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, hàng năm có nhiều chường trình hợp tác tham gia các hội chợ tổ chức tại Hản Quốc và nổi bật nhất là hội chợ công nghiệp thực phẩm tại Seoul thành hội chợ thường niên với số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.
Thị trường Hàn Quốc không chỉ là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm, trong đó có hàng nông sản thực phẩm là những nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam và chúng ta cũng đang có nhu cầu mở rộng và tìm kiếm thị trường.
Tại thị trường Hàn Quốc, chúng ta có cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng, đối tác quốc tế vì Hàn Quốc đã trở thành trung tâm giao dịch th ương mại và khu vực.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng tổ chức các đoàn giao thương của Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là các đoàn mua hàng. Tức là các nhà nhập khẩu của Hàn Quốc sang tìm kiếm trao đổi trực tiếp với các nhà cung cấp của Việt Nam để xây dựng quan hệ đối tác. Hoạt động này đã được triển khai nhiều năm với số lượng đến hàng trăm doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động về phổ biến tuyên truyền giới thiệu về thị trường Hàn Quốc tại Việt Nam cũng được triển khai đồng bộ khắp các miền trong cả nước.
Ngoài ra, những hoạt động hỗ trợ của Cục xúc tiến Thương mại không chỉ cho việc khai thác thị trường Hàn Quốc mà còn cho các thị trường khác thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về năng lực phân tích nghiên cứu thị trường, phối hợp với các đối tác Hàn Quốc để triển khai chương tr ình hỗ trợ doanh nghiệp của chúng ta về nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm mới. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vì chúng ta phải tiếp cận và bán được sản phẩm theo thị hiếu thị trường, theo thị hiếu thường xuyên trao đổi của thị trường.
Về phía Bộ Công Th ương, các giải pháp đồng bộ cũng đã được triển khai từ nhiều năm qua. Lãnh đạo Bộ cũng rất quan tâm và các đơn vị chức năng trong phần nhiệm vụ được giao đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương nghiệp; triển khai các dự án công nghiệp lớn, nâng cao năng lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Cụ thể là việc triển khai các dự án năng lượng có quy mô lớn trên toàn quốc đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định với chi phí thấp cho các doanh nghiệp sản xuất. Đó là những sự đóng góp hỗ trợ rất thiết thực. Bên cạnh đó là các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình hỗ trợ bán hàng, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam giảm tồn kho, mở rộng thị trường cũng như đào tạo hỗ trợ về thương mại điện tử.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Theo Thảo Nguyên
TTXVN