Hiệu quả cơ chế liên kết vùng
Trong chính sách phát triển kinh tế của mình, TPHCM cũng luôn quan tâm đến những chính sách phát triển các địa phương, từ đó có sự kết nối giúp đỡ lẫn nhau nhằm tạo sức mạnh kinh tế chung cho cả vùng.
Trên thực tế, với tiêu chí phát triển công nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường; phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch… TPHCM đang là nơi tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào từ các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… Trong thời gian gần đây, chỉ tính riêng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố đã thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở các địa phương trên với lượng vốn hơn 5.300 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, thông qua chương trình hợp tác, năm 2012, các doanh nghiệp TPHCM có 75 dự án đầu tư sản xuất và hệ thống phân phối trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các địa phương trong vùng với tổng số vốn trên 7.000 tỷ đồng, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, hiện đã có 141 doanh nghiệp của TPHCM đã và đang triển khai 183 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 38.823 tỷ đồng vào các tỉnh Tây Nguyên thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp thương mại và dịch vụ và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Trong nhiều hội thảo, hội nghị về thu hút đầu tư gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà luôn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tỉnh lân cận trong sự phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Bởi chính các địa phương này là nơi cung cấp nhân lực, vật lực, mang lại giá trị vững chắc để TPHCM trở thành trung tâm của vùng. Từ đó, thành phố mới có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài ngày càng hiệu quả. Cụ thể năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng chiếm hơn 60%, số thu ngân sách chiếm 2/3 của cả nước. Chính vì vậy, trong chính sách phát triển kinh tế của mình, TPHCM cũng luôn quan tâm đến những chính sách phát triển các địa phương, từ đó có sự kết nối giúp đỡ lẫn nhau nhằm tạo sức mạnh kinh tế chung cho cả vùng.
Trên thực tế, TPHCM đang có những hướng đi đúng đắn trong việc xem trọng yếu tố kết nối vùng trong chính sách phát triển kinh tế, đồng thời giúp TP giải quyết được các vấn đề khác trong xã hội. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của TS Đinh Sơn Hùng cũng đưa ra cảnh báo, trong quá trình thực hiện những chương trình hợp tác trên đã gặp nhiều khó khăn như: chưa xác định cụ thể ngành công nghiệp hoặc dịch vụ cần tập trung phát triển dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh, thành phát triển các ngành kinh tế một cách dàn trải, thiếu định hướng chiến lược chung cho toàn vùng, không chú trọng phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Do đó, vấn đề đặt ra là cần đánh giá thực trạng cơ chế liên kết kinh tế giữa TPHCM với các tỉnh vùng trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất những giải pháp nhằm hình thành và phát triển quy chế phối hợp về cơ chế liên kết kinh tế giữa vùng và TPHCM một cách hệ thống hơn trong những năm tới.