MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện cơ chế hành chính: Gỡ nút thắt, hút đầu tư

Nằm trong tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là lợi thế về biên mậu… là những điều kiện giúp phát triển kinh tế của Lạng Sơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hút đầu tư của Lạng Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy gỡ các “nút thắt” như thế nào ?

Ông Đoàn Bá Nhiên - Chủ tịch Hiệp hội DN Lạng Sơn:

Con người là yếu tố then chốt

Với nhiều lợi thế sẵn có, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút đầu tư thông thoáng, nhưng con số nhà đầu tư trong và ngoài nước còn rất khiêm tốn. Thực tế những hạn chế này do nhiều yếu tố, nhưng theo tôi yếu tố con người là cơ bản nhất. Trình độ của cán bộ quản lý một số sở, ngành còn yếu, thiếu sự chia sẻ nên việc hỗ trợ thủ tục pháp lý cho DN, nhà đầu tư chưa được quan tâm, vì vậy nhà đầu tư không mặn mà.

Trong những năm qua, tỉnh đã có một loạt cơ chế chính sách, thu hút nhân tài đại học có trình độ cao, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng tôi cho rằng, cần phải chú trọng hơn nữa đến nguồn nhân lực từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở một cách thiết thực. Vì để thu hút nhân tài thì ngoài chế độ lương thưởng, phải tạo được môi trường làm việc tốt, có cơ chế khích lệ đưa người lao động dần vào vị trí ổn định, tạo cơ hội cho họ phấn đấu. Nếu đưa ra chính sách mà không theo sát, không thực hiện thì hiệu quả mang lại không cao.

Song song với đó, tỉnh cần có chính sách đào tạo nhằm nâng cao năng lực, trình độ, trí tuệ, văn hóa doanh nhân và quản trị DN. Bởi ngoài các DN nhà nước chuyển đổi sang Cty cổ phần thì hầu hết các DN ngoài quốc doanh của Lạng Sơn xuất phát điểm còn thấp, được thành lập từ kinh doanh, sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ nên trình độ, năng lực quản lý còn thấp. Vì vậy việc tiếp nhận thông tin, hiểu biết pháp luật, cạnh tranh …chiến lược sản xuất kinh doanh mặt hàng, nhóm hàng, định hướng phát triển DN mang tính dài hơi, bền vững còn rất yếu.

Riêng về phía Hiệp hội, thời gian qua chúng tôi đã mở hàng loạt lớp học đào tạo trình độ quản lý cho các DN. Nhưng về lâu dài tỉnh cần hỗ trợ về mặt kinh phí để tổ chức lớp học và mời các chuyên gia đồng hành có kinh nghiệm về giảng dạy. Từ việc chú trọng đào đạo những cán bộ có tài, có đức, tận tâm vì sự phát triển của Lạng Sơn thì chắc chắn môi trường đầu tư của Lạng Sơn sẽ được cải thiện...

Ông Hứa Hải Quỳnh - Giám đốc Sở Nội vụ Lạng Sơn:

Một cửa” nhưng vẫn nhiều chìa

Thực hiện Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 4/9/2003 và sau đó được thay bằng Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chúng tôi đã triển khai trong tất cả các đơn vị, thành phố, huyện, xã.

Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn còn một số bất cập bởi “một cửa” nhưng nhiều chìa. Tức là khi làm thủ tục hành chính thì chỉ qua một cửa để nộp nhưng khi tiếp nhận kết quả thì mất nhiều thời gian do tính liên thông giữa các sở hiện nay vẫn bị hạn chế. Ví dụ, Sở Tài nguyên - Môi trường giải quyết việc thu hồi, chuyển nhượng đất, thực hiện nhiệm vụ tài chính thì liên quan đến ba cơ quan là Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế. Khi Sở Tài nguyên - Môi trường giải quyết xong thì sở này sẽ phải gửi hồ sơ sang Cục Thuế, nhưng để được nhanh thì cán bộ của sở lại phải trực tiếp cầm hồ sơ sang Cục Thuế làm cho nhanh. Tương tự, khi xác định được số thuế phải nộp rồi thì phải đến kho bạc…

Vì vậy mất rất nhiều thời gian, chưa kể đến thiếu giấy tờ hay yêu cầu bổ sung… Hoặc đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tại một cửa liên thông, cơ quan kế hoạch thì cấp phép đăng ký kinh doanh, bên công an thì cấp dấu, Cục Thuế cấp mã số thuế. Nếu liên thông trên hệ thống phần mềm thì được, nhưng Bộ Công an với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại liên thông với nhau là phải đến Bộ Công an để ký và nhận dấu…

Như vậy, thể chế của nhà nước không thống nhất với nhau. Quy định và thực tiễn còn vênh nhau. Chính phủ yêu cầu phải liên thông một cửa nhưng việc thực hiện ở các cấp lại không thống nhất. Do đó, đẩy cái khó cho DN.

Ở góc độ “một cửa” nhưng nhiều chìa do cán bộ ở bộ phận “một cửa” gây khó, thái độ không nhiệt tình, nhũng nhiễu DN, người dân, lãnh đạo mỗi sở, cơ quan cần quán triệt kiểm soát tốt thì sẽ không xảy ra điều này.

Ông Lê Minh Thanh - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn:

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư

Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; ban hành các văn bản, đề án, cụ thể hoá các cơ chế chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, biên giới, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu mặt bằng cho các nhà đầu tư, vì vậy, rất khó khăn trong thu hút kêu gọi các nhà đầu tư. Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ; các cơ chế, chính sách thu hút đấu tư của tỉnh chưa thông thoáng cũng là một trở ngại và kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính và nhiều cặp chợ đường biên, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu này tương đối sôi động, tuy nhiên, các nguồn thu không nhiều trong khi thu thuế xuất nhập khẩu lại điều tiết hết về trung ương, nên nguồn lực đầu tư của tỉnh vào hạ tầng các khu, cụm công nghiệp rất hạn chế.

Một hạn chế nữa là mặc dù lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt chỉ đạo công tác xúc tiến thu hút đầu tư, ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo nhằm tăng cường thu hút đầu tư nhưng việc tuân thủ thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ở một số cơ quan đơn vị, đặc biệt là ở đội ngũ cán bộ công chức thực thi công vụ trực tiếp với các nhà đầu tư lại chưa thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, chậm được đổi mới… cũng là nguyên nhân làm nản lòng các nhà đầu tư.

Để khắc phục hạn chế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn, theo tôi, ngoài việc tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư (PCI)... thì Chính phủ, Bộ Tài chính cần tăng cường ngân sách cho tỉnh Lạng Sơn tỉnh để chủ động đầu tư, sớm hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng đồng bộ trong khu vực cửa khẩu, phát huy lợi thế vùng biên và tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển hơn nữa.

Ông Nguyễn Trọng Hảo - Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK thiết bị phụ tùng (PASACO) -Trưởng văn phòng luật sư Hồng Sơn:

Đừng để DN rời bỏ

Trước đây, khi tôi làm thủ tục thành lập DN rất thuận lợi và là một trong những DN đầu tiên ở Lạng Sơn kinh doanh hiệu quả, nộp ngân sách đều đặn hàng tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình hoạt động, DN gặp khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian và chi phí, cán bộ nhũng nhiễu. Cuối cùng, chúng tôi đành phải thành lập DN ở tỉnh khác. Điều này tôi không hề muốn vì tôi là người Lạng Sơn, bất đắc dĩ phải làm như vậy.

Vài năm gần đây, tỉnh rất chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hàng năm tổ chức các cuộc gặp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Như việc UBND tỉnh đã ra Quyết định số 340/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, ban hành ngày 28/3/2012, giải thể các đội liên ngành chống buôn lậu do huyện, thành phố lập ra, tạo bước ngoặt trong quá trình tìm hướng tăng thu, thông thoáng cho các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại du lịch. Bên cạnh đó tỉnh cũng có những chính sách đãi ngộ nhằm thu hút những người tài có năng lực có trình độ nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, theo tôi để thu hút đầu tư, mấu chốt vẫn là yếu tố con người. Do đó tỉnh cần phải cải cách bộ máy quản lý nhà nước, thanh lọc những cán bộ, nhân viên thiếu năng lực, tiêu cực không đủ đạo đức, những “con sâu làm rầu nồi canh” gây khó cho các DN. Nếu như tỉnh cải cách được những vấn đề đó, thanh tra giám sát để tìm ra và thay thế những con người tiêu cực trong từng cơ quan, đặc biệt những cơ quan có nguồn thu sẽ góp phần tạo nên môi trường trong sạch. Cán bộ quản lý nhà nước, quan chức nhà nước, công chức nhà nước phải là những người có tâm và có đạo đức, có tài. Khi môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tự nguyện tìm đến Lạng Sơn hơn là phải kêu gọi đầu tư.

Theo Khắc Lãng

cucpth

Diễn đàn doah nghiệp

Trở lên trên