Hội nhập: Không nên “thách thức hóa” các cơ hội
Thách thức lớn nhất chính là tận dụng tất cả các cơ hội có được.
- 10-02-2016Hãy tưởng tượng, một Việt Nam không có hội nhập!
- 09-02-2016Sóng hội nhập đã ùa tới
Cần một tâm thế sẵn sàng
Những cơ hội và thách thức từ công cuộc hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là với các hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao như TPP, FTA Việt Nam – EU… đã được bàn tới rất nhiều trong thời gian qua.
Các chiều ý kiến cơ bản xác định, quá trình hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức. Trong đó, việc tận dụng được cơ hội là quan trọng nhất. Còn nếu không tận dụng tốt sẽ biến chính cơ hội đó thành thách thức, và ngược lại.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, vấn đề đầu tiên để hội nhập thành công chính là cần thông suốt trong tư tưởng và niềm tin về khả năng và quyết tâm tận dụng tốt nhất các cơ hội có được, đồng thời giảm thiểu và hóa giải những thách thức tiêu cực.
Khi có niềm tin và quyết tâm hành động, những cơ hội mà chúng ta đã nhìn thấy trước hoàn toàn có thể biến thành hiện thực. Đồng thời, những thách thức mà chúng ta đã dự báo và lường trước cũng có thể hóa giải phần nào.
Thử hỏi có gì thần kỳ hơn khi xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ trong khoảng 15 năm tăng tới hơn 30 lần. Đấy là nhờ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Nhưng nên nhớ, khi đàm phán và đặt bút ký BTA năm 2001, có rất nhiều quan ngại về khả năng khó tiếp cận được thị trường rất “tinh xảo và khó tính” này.
Hay việc gia nhập WTO cũng là một ví dụ lớn khác về hệ quả tốt đẹp từ hội nhập. Cho dù đã từng có những hứng khởi và lạc quan quá mức, cho dù đã có những lo ngại về thách thức khó vượt, và thực tế đã xảy ra, nhưng xét về tổng thể rõ ràng tham gia WTO đã mang lại nhiều lợi ích và vị thế lớn hơn cho Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam tiến thêm một bước dài trong quá trình mở cửa và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, nếu xem quá trình hội nhập là tất yếu thì có hai yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho hội nhập thành công, đó là: phải có niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ thay đổi từ bên trong, đồng thời cần nghiên cứu kỹ về các đối tác tham gia cũng như các quy định của sân chơi chung để cạnh tranh tốt nhất.
“Ý tưởng và mục tiêu là hội nhập, nên chúng ta phải nỗ lực vượt qua và giảm thiểu những tác động tiêu cực, chứ không phải nói đến khó khăn, thách thức để sợ hãi, bàn lùi. Thách thức lớn nhất chính là tận dụng được tất cả các cơ hội có được. Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tự tin bước vào cuộc chơi”, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
WTO đã cho chúng ta những bài học đắt giá: Cần sự chuẩn bị tốt hơn của nền kinh tế thực và cộng đồng DN trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài; Cần lưu ý nhiều hơn đến quản lý tổng cầu, quản lý những rủi ro vĩ mô, giám sát và quản lý dòng vốn; Cần tránh tâm lý lạc quan thái quá và thực trạng nhiều DN đang sản xuất kinh doanh lại chuyển qua đầu tư vào chứng khoán, bất động sản với tư tưởng “một vốn, bốn lời” gây nên nhiều hệ lụy, đặc biệt là nợ xấu...
Nhưng một khi những bài học ấy được “điều nghiên” kỹ để tránh những hệ quả như đã từng gặp phải, phần còn lại là những cơ hội và chúng ta cũng cần dành thời gian, trí tuệ và nguồn lực để hiện thực hóa chúng. Như vậy, thay vì lo ngại và “thách thức hóa” các cơ hội, chúng ta cần nỗ lực để tận dụng các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại, đồng thời tìm mọi cách “cơ hội hóa” các thách thức mà chúng ta đã lường trước.
Và quyết tâm cải cách
Trong thông điệp gửi đi từ bài viết mới đây, mang tên: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường, mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể - Nhà nước, người dân và DN.
Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ, nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục. Điều cần nhấn mạnh là, trong các FTA, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội - đây cũng là biện chứng của tiến trình phát triển”.
Đặc biệt với những FTA thế hệ mới như TPP, khi chúng ta bước vào với vị thế là những người đàm phán để định ra luật chơi chứ không còn bắt buộc “muốn vào thì phải tuân thủ” như WTO trước đây, thì cơ hội hội nhập thành công sẽ càng lớn hơn nữa. Theo nhiều chuyên gia, với các bài học kinh nghiệm, đặc biệt từ WTO mà chúng ta đã có được, thì hành trình hội nhập của chúng ta dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng chắc sẽ mang tâm thế sẵn sàng, chủ động và ứng phó tốt hơn trước những tác động tiêu cực.
Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là chúng ta không được để những khó khăn trước mắt, ngắn hạn trở thành những vấn đề thách thức lâu dài. Khi tham gia vào các sân chơi như TPP, một số ngành, lĩnh vực có thể sẽ gặp khó khăn.
Đơn cử câu chuyện dịch chuyển lao động, kỹ năng lao động kém… là những vấn đề tất yếu xảy ra. Nếu chúng ta kịp thời điều chỉnh chính sách để giải quyết được thì đây chỉ là các vấn đề ngắn hạn, nhưng nếu không có sự nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời thì rất dễ trở thành các vấn đề dài hạn, và khi đó không chỉ gây ra các hệ lụy xấu về mặt kinh tế mà còn cả về xã hội.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Cần xác định rõ vai trò và hành động của các chủ thể trong thực thi nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định này.
Trong đó, DN là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi vậy, DN phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Tuy vậy, DN không thể tự mình quyết định được tất cả. DN phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.
Như vậy, một yếu tố mấu chốt quyết định nhất đến sức cạnh tranh và sự phát triển của một nền kinh tế chính là thể chế quản trị quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, để có một thể chế tốt, chất lượng cao, phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, DN và xã hội.
Trong đó, Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng…
Do đó, phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Nếu không, sẽ không tận dụng được cơ hội thuận lợi từ quá trình hội nhập nói chung, các hiệp định song phương, đa phương nói riêng mang lại.
Thời báo ngân hàng