Họp điều hành kinh tế vĩ mô: Không có lý do gì để tiếp tục tăng tỷ giá
Tại cuộc họp về điều hành kinh tế vĩ mô chiều ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Qua những diễn biến vừa qua, có thế nói chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô hay buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu”.
- 30-03-2015Thủ tướng chỉ đạo về phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô
- 23-01-2015Thủ tướng chủ trì họp liên bộ điều hành kinh tế vĩ mô
- 01-12-20144 Bộ phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô
Chiều 25/8/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và một số Bộ, ngành chức năng đánh giá về những biến động của kinh tế thế giới gần đây tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích và nhận định về những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, cũng như những tác động, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng và phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ đều cho rằng phản ứng chính sách và những giải pháp bước đầu đưa ra vừa qua là kịp thời, phù hợp.
Diễn biến chứng khoán và tỷ giá có yếu tố tâm lý
Tuy nhiên diễn biến khó lường của kinh tế thế giới đòi hỏi phải theo tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá đầy đủ, nhận định và thông tin chính xác để từ đó đưa ra các giải pháp, đối sách một cách chủ động, kịp thời, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi.
Về giá dầu thô sụt giảm sâu, các ý kiến đều khẳng định diễn biến này cũng như tác động của giá dầu giảm đến thu ngân sách đã được dự báo ngay từ đầu năm 2015. Các Bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu giảm ở mức thấp nhất. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách vẫn đảm bảo theo kế hoạch đặt ra và quyết tâm thực hiện vượt thu 8%.
Đối với diễn biến giảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam những tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Bộ, ngành đánh giá chủ yếu là do yếu tố tâm lý; thời gian tới thị trường sẽ hồi phục và tiếp tục có những dòng tiền mới được đưa vào thị trường.
Đối với tỷ giá và lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần những ngày qua, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tế cũng là yếu tố tâm lý. “Chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá khá lớn và không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa. Vấn đề còn lại là niềm tin thị trường” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Theo đánh giá của các Bộ, ngành, về tổng thể vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, kiểm soát bội chi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Qua những diễn biến vừa qua cũng như đánh giá của các Bộ, cơ quan chức năng, có thế nói chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô hay buộc chúng ta phải điều chính mục tiêu”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, những diễn biến còn hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới đều tác động đến Việt Nam mà nếu không nắm chắc, ứng phó không tốt, không kịp thời, chủ động thì chúng ta không những không đối phó, khắc phục được những khó khăn, thách thức mà còn không tận dụng được những cơ hội mới.
Do vậy, các Bộ, ngành chức năng không được chủ quan, tiếp tục dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp, đối sách kịp thời, phù hợp, kể cả trong những tình huống xấu nhất.
Không thay đổi các mục tiêu
“Luôn luôn tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất. Chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động được. Đồng thời phải chủ động thông tin về tình hình, dự báo, các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, chủ động, đồng thuận chính sách, không gây tâm lý hoang mang không cần thiết” - Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất. Không thay đổi các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu….
Kiểm soát tốt, bảo đảm giữ ổn định tỷ giá, lãi suất; tiếp tục các giải pháp phát triển và quản lý thị trường chứng khoán đang thực hiện hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, phấn đấu tăng thu và triệt để tiết kiệm chi. Đồng thời, các Bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong đó có sản xuất, kinh doanh dầu khí; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đồng thời tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại.