MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp HĐND các tỉnh Đông Nam bộ

Thời gian qua tại Bình Dương xuất hiện tình trạng “phân lô bán nền” đất đai trái phép, hình thành các khu dân cư tự phát... ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh.

Ngày 6-12, phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Văn Trăm, chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay tỉnh không đạt kế hoạch đề ra (chỉ đạt 9,59% so với kế hoạch 11,5%) là do giá cả hai mặt hàng chủ lực của tỉnh (cao su và điều) giảm mạnh riêng điều ngoài giảm giá còn bị mất mùa.

Bình Phước: sẽ xử lý cán bộ công chức làm việc lấy có...

Ông Trăm cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2014, UBND tỉnh sẽ khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, tham mưu được những giải pháp hay để giải quyết những vấn đề nóng. Song song đó, tỉnh sẽ nghiêm khắc xử lý các trường hợp cán bộ, công chức chây ỳ, làm việc lấy có, lê la quán xá...

HĐND tỉnh Bình Phước cũng đã thông qua đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bù Gia Mập để thành lập thêm huyện Phú Riềng. Theo đó, huyện Phú Riềng được thành lập trên cơ sở lấy xã Bù Nho là trung tâm, có diện tích tự nhiên 67.497ha, dân số 92.016 người. Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã. Phần diện tích và dân số các xã còn lại thuộc huyện Bù Gia Mập.

Đồng Nai: đề nghị bồi thường cho 43 hộ dân ra khỏi nơi ô nhiễm

Cùng ngày, trả lời tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Đồng Nai về việc hai công ty ximăng Công Thanh và Lafagre (ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) thải bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ông Lê Viết Hưng - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh - cho biết trong năm nay các cơ quan chức năng đã bốn lần kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm gây ô nhiễm môi trường tại hai công ty trên. Theo ông Hưng, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục ô nhiễm, hai công ty trên đã có nhiều cố gắng khắc phục ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện tốt. Ông Hưng đề nghị: “Nguyện vọng của 43 hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm do hai nhà máy trên gây ra là muốn rời khỏi khu vực này. Vì vậy tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo bồi thường để dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm”.

Trước đó, thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - giám đốc Công an tỉnh - trả lời chất vấn về nguyên nhân tạm giữ gần 25.000 xe của người vi phạm. Ông Khánh cho biết theo quy định, công an tạm giữ xe từ 1-6 tháng tùy theo mức độ vi phạm và sẽ trả lại xe cho chủ xe sau khi xử lý. Tuy nhiên, hầu hết xe vi phạm không có giấy tờ nên không xác định được chủ xe là ai hoặc do người vi phạm bỏ xe không đến nhận lại. Về việc này, ông Trần Văn Tư, chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, lưu ý: “Cần nghiên cứu thêm việc các địa phương khác chỉ giữ biển số xe vi phạm mà không cần giữ xe. Vì giữ xe sẽ có những phức tạp có thể xảy ra như khâu bảo quản, kho bãi không tốt, mất mát và có thể tiêu cực làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Công an tỉnh cần có báo cáo những khó khăn bất cập với Bộ Công an, UBND tỉnh để tìm ra những giải pháp phù hợp với địa phương”.

Bình Dương: chấn chỉnh nạn “phân lô bán nền”

Cùng ngày, tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung - chủ tịch UBND tỉnh - đã giải trình thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Theo đó, ông Cung thừa nhận thời gian qua tại Bình Dương xuất hiện tình trạng “phân lô bán nền” đất đai trái phép, hình thành các khu dân cư tự phát... ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, ông Cung cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra để xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo ông Lê Thanh Cung, Bình Dương đang phấn đấu tới năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương. Về quy hoạch, tỉnh sẽ phát triển không gian đô thị về phía nam và phát triển các đô thị vệ tinh ở phía bắc, lấy đô thị Thủ Dầu Một và thành phố mới Bình Dương làm trung tâm. Về việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã lập danh sách 32 cơ sở gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu dân cư và đô thị (thời hạn hoàn thành di dời là cuối năm nay). UBND tỉnh cũng sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay như đình chỉ hoạt động nếu các cơ sở này tiếp tục vi phạm.

Tây Ninh: thành lập TP Tây Ninh

Cùng ngày, HĐND tỉnh Tây Ninh đã biểu quyết thông qua 11 tờ trình. Trong đó có tờ trình về đề án thành lập TP Tây Ninh trực thuộc tỉnh Tây Ninh. Theo đó, đề án thành lập TP Tây Ninh trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số và 10 đơn vị hành chính cấp phường, xã của thị xã Tây Ninh. Cụ thể, trụ sở HĐND - UBND TP đặt tại 381 đường 30/4, KP1, P.1, TP Tây Ninh. Diện tích tự nhiên của TP Tây Ninh là hơn 14.000ha với dân số trên 153.000 người. Đơn vị hành chính gồm bảy phường và ba xã.

HĐND tỉnh Tây Ninh cũng thông qua nghị quyết về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Theo đó, đối với cá nhân và tổ chức sử dụng nước sinh hoạt của đơn vị cung cấp nước sạch, mức thu phí bảo vệ môi trường lần lượt là 300 đồng và 500 đồng/m³ nước tiêu thụ. Đối với cá nhân, tổ chức tự khai thác nước để sử dụng vào mục đích sinh hoạt thì mức thu phí bảo vệ môi trường lần lượt là 900 đồng/người/tháng và 720 đồng/người/tháng.

Theo H.MI - B.SƠN - N.HẬU - B.LIÊM


thanhhuong

Tuổi trẻ

Trở lên trên