MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp Quốc hội] Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại!

Những ý kiến về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề nợ công.

Hôm nay (30/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận phiên sáng nay đều đồng ý với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2014.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng nay bên cạnh những ý kiến về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề nợ công hiện nay của nước ta.

Cụ thể, ông Cao Sĩ Kiêm – đại biểu tỉnh Thái Bình yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn về con số nợ công. Trước đó, báo cáo của cơ quan điều hành cho thấy nợ đang tăng nhanh, tỷ lệ chi trả trực tiếp từ ngân sách ở mức 14,2%, trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công (không quá 25%). Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.

Đại biểu Đặng Thuần Phong đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết xử lý bất cập sau cho năm 2015: Nợ công hiện đang là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới, ta đang ở mức trung bình; vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy còn thấp; cơ cấu chi chưa thật tốt 67% chi thường xuyên, 33% chi đầu tư phát triển, trả nợ thực sự chưa ổn, nêu quyết liệt hơn cố gắng giảm chi thường xuyên khoảng 10% nữa cho chi đầu tư phát triển và trả nợ.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đã nhấn mạnh không vay ODA cho chi thường xuyên; các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động con cháu chúng ta sau này.

Không phủ nhận những hiệu quả tích cực mà nguồn vốn ODA mang lại, đại biểu Lê Thị Nga tỉnh Thái  Nguyên nhấn mạnh: Thực tế sử dụng vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí là vi phạm vào tội phạm gây thất thoát, tham nhũng trong nhiều dự án gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và làm mất uy tín đối với Việt Nam đối với các nhà tài trợ quốc tế.

 Do đó, bà đề nghị: “Việt Nam cũng phải có nhận thức đúng về ODA và không nên coi thường những khuyến cáo của chuyên gia. Vì sau khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi giảm đi, các điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn nên nếu lạm dụng ODA thì sẽ để lại nhiều hệ lụy”.

Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại

Bên cạnh những băn khoăn, lo lắng về vấn đề nợ công đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. HCM) cho rằng đánh giá lại giai đoạn 3 năm qua, nhận định kinh tế phục hồi là có cơ sở (GDP tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 5,8% năm nay).

Tuy nhiên, nếu so sánh với tăng trưởng tiềm năng và mức thực hiện giai đoạn trước, chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn. "Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng đắn", vị này nói.

Đồng ý với mục tiêu GDP 2015 tăng 6,2%, lạm phát 5%, song đại biểu cho rằng tổng đầu tư toàn xã hội phải nâng lên 32% GDP, thay vì kế hoạch 30% hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay trung dài hạn để đầu tư, tăng sản xuất trong nước, giảm độ mở nền kinh tế để tránh tổn thương.

Cùng với đó là các giải pháp cải cách thủ tục hành chính,"con người hành chính", các quyết sách an dân, giảm tệ nạn ma túy, ưu tiên nguồn lực cho công nghiệp công nghệ cao...

Khánh Nhi

hanhle

Tài chính Plus

Trở lên trên