MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp quốc hội]: Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 01/11 về tái cơ cấu nền kinh tế

Đại biểu cho rằng, phải lấy nguồn lực trong CPH Ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại từ quá trình tái cơ cấu các TCTD và các nguồn vốn khả dụng khác để tái cơ cấu kinh tế và xử lý nợ xấu.

Sáng nay (ngày 1/11/2014), kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII tiếp tục có phiên thảo luận tại hội trường với nội dung chính là về tái cơ cấu nền kinh tế.

Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – trưởng ban giám sát Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo về Kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015”.

Kết quả giám sát này được công bố dựa trên việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 06 bộ, ngành; 12 tỉnh, thành phố, 3 quận, huyện và 22 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại.

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/10

>>>Nội dung phiên Thảo luận tại Hội trường sáng ngày 30/10

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10

Đánh giá chung về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua, báo cáo nhận định: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%): giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng tăng bình quân 5,67%, ước thực hiện 5 năm 2011-2015 là 5,78%.

“Điều này cho thấy những tồn tại yếu kém nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững”.

Báo cáo cũng cho rằng, đến nay, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình một cách rõ nét, chưa đạt mục tiêu và các chỉ tiêu tái cơ cấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là “năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt”.

“Vấn đề đặt ra là kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì và phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động là 54.000 DN (năm 2011), 54.300 DN (năm 2012), 60.000 DN (năm 2013), 44.500 DN (8 tháng năm 2014).

Báo cáo đánh giá, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước từ 20,08% xuống còn 18,38%, tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ từ 79,92% lên 81,62% GDP.

Cán cân thương mại trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra (xuất siêu năm 2012 là 780 triệu USD, năm 2013 là 9,4 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,47 tỷ USD).

Chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện, theo hướng giảm dần việc mở rộng về quy mô vốn và tăng chất lượng hiệu quả.

Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.

Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7%GDP)...


Ông Nguyễn Văn Giàu

Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá việc giảm nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư thời gian qua đặt ra thách thức phải tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2014 và 2015 nếu muốn đạt chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm khoảng 33,5%-35% GDP để tác động tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo việc làm nhiều hơn.

Kết quả xuất siêu trong thời gian qua còn thiếu yếu tố bền vững, bên cạnh tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu, nỗ lực của doanh nghiệp, sự gia tăng xuất khẩu có sự đóng góp lớn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; còn có yếu tố suy giảm nhập khẩu do doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội đã tăng, năm 2011: 3,5%; năm 2012: 6,1%; năm 2013: 10,1%, có thể đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Nói về những hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trưởng ban giám sát Nguyễn Văn Giàu đã nêu rõ những hạn chế cụ thể của từng lĩnh vực, cụ thể:

Đối với đầu tư công: Tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ, không thuộc diện Nhà nước cần chi phối còn chậm, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 

Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Về tái cơ cấu các TCTD gắn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế. Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc. 

Một là, mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này. 

Hai là, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng; thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu.

Đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. 

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước.

Về kiến nghị, ban giám sát cho rằng: Cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp và doanh nghiệp với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu.

Trên cơ sở tiếp tục rà soát, tập trung đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả, tập trung vốn đối với các dự án còn đang dở dang có hiệu quả kinh tế-xã hội, đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ thị trường lao động, nâng cao năng suất lao động.

Xây dựng đề án sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình CPH DNNN đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách để giảm gánh nặng nợ công từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tập trung nguồn vốn này đầu tư các bệnh viện khắc phục cơ bản tình trạng quá tải trong vòng hai năm tới. 

Tái cơ cấu ngành ngân hàng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với NHTM mà thông qua sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp quan hệ cung-cầu thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại.

Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ.

Sau phần báo cáo của ông Nguyễn Văn Giàu, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Khá – đoàn Trà Vinh có những phát biểu và kiến nghị việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đại biểu:

(i) Tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm so với yêu cầu, chưa chuyển biến mang tính đột phá. Mặc dù số DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 doanh nghiệp xuống 1.000 DN nhưng với việc hình thành các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các công ty con, cháu, chắt, đã làm cho tỷ trọng DNNN trong GDP chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ không bảo toàn được vốn, không đạt được yêu cầu.

(ii) Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, trong công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp; nông nghiệp manh mún, giá trị tăng thêm thấp, chưa phát huy tiềm năng của khối tư nhân, năng suất lao động thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thấp. Chỉ đạo điều hành chưa thực sự quyết liệt nên chưa hiểu đúng CPH và sắp xếp lại DNNN. Chưa hiểu đúng ý nghĩa của CPH DNNN.


Đại biểu Nguyễn Thị Khá


Đại biểu Nguyễn Thị Khá có các kiến nghị như sau:

(i) Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để các bộ ngành phê duyệt các đề án CPH sắp xếp DNNN, chuyển đổi mô hình hoạt động của DNNN, cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo.

(ii) Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng sở hữu tránh chủ quan, dựa dẫm, xin cho, nâng cao tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp. 

(iii) Sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành, tinh giảm biên chế nâng cao kỹ năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

(iv) Các DNNN phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm, đẩy nhanh tiến độ CPH, quá trình tăng trưởng dựa vào vốn. Đã đến lúc mạnh dạn cắt đuôi nhóm lợi ích, tăng tính chủ động tự chủ tự quyết, người đại diện vốn nhà nước phải thực sự là ông chủ của doanh nghiệp.

(v) Cần làm rõ những gì Nhà nước không cần chi phối nắm giữ, DNNN không nên đầu tư từ đầu đến chân, phải nâng cấp công nghệ, cải thiện, thay đổi hệ thống quản lý, đào tạo lại, ai làm được phù hợp thì giữ lại nhưng phải đảm bảo an sinh cho người lao động. 

(vi) Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước đóng vai trò then chốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách hiệu quả, dễ tiếp cận, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chính sách đưa ra nhiều ai tiếp cận đến đâu, chính sách phải ngang tầm đáp ứng với từng giai đoạn phát triển của đất nước; cơ chế sử dụng phần mềm trong nước ngoài nước như thế nào để thu hút các nhà khoa học

Cuối cùng, Cần thực hiện mô hình tái cơ cấu kinh tế một cách toàn diện hơn để bình mới rượu mới.

Tham gia phần thảo luận, đại biểu Thân Đức Nam của đoàn Đà Nẵng đồng tình cao với báo cáo giám sát tuy nhiên đại biểu này cũng đánh giá việc ban hành Đề tái cơ cấu tổng thể còn quá chậm và khi Đề án được ban hành mới chỉ nêu chung chung không đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể. 

“Dĩ nhiên, để chuyển đổi nền kinh tế từ phát triển chiều rộng sang phát triểu theo chiều sâu là cần có thời gian nhưng theo kế hoạch việc thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2011 – 2015, như vậy chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được rõ ràng” – Ông Nam nói.

Về tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng ông Nam đánh giá cao nỗ lực của NHNN vì vừa phải thực hiện tái cơ cấu vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng quá trình chuyển đổi một số ngân hàng nông nghiệp thành ngân hàng thương mại mà đứng sau các ngân hàng này là các ông chủ bất động sản… 

Từ thực tế đó, ông Nam đặt câu hỏi: Liệu trong 1 năm tới NHNN có thực hiện được triệt để vấn đề tái cơ cấu hay không hay phải trông chờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản?

Đối với việc tái cơ cấu các NHTM Nhà nước theo ông Nam, NHNN nên nêu mục tiêu rõ ràng đối với NHTM nhà nước là NH chính sách xã hội và NH phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Đối với việc thoái vốn các DNNN theo ông Nam nên thực hiện ở các Tổng công ty chứ không nên thực hiện riêng lẻ để đảm bảo tính hiệu quả.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị đánh giá “các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập quốc tế.”

Đại biểu đề nghị cần có một thể chế, khuôn khổ mới để Chính phủ điều hành hướng đến mục tiêu đã đề ra. Với ý định theo đuổi lạm phát mục tiêu như hiện nay của Chính phủ, đại biểu cho rằng nên có thêm mức tối thiểu nhằm tạo ra hành lang an toàn – ví dụ năm 2015 Chính phủ ngầm định lạm phát mục tiêu 5% được phép +/- 1,5%, tránh lạm phát dao động lớn không dự tính được.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) tham gia thảo luận với ý kiến về đầu tư công.

Theo đại biểu này, mặc dù đề án tái đầu tư công đã thực hiện được 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có 1 đề án cụ thể, Luật đầu tư công thì mới được thông qua còn các luật khác thì chưa được thông qua…. Điều đó đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện. 

Cũng theo đại biểu Quang, tổng vốn đầu tư xã hội hiện nay chưa dành “vị trí” xứng đáng cho nông nghiệp, giáo dục, khoa học. 

Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến việc tái cơ cấu đầu tư công vẫn mang tính chất ngắn hạn, thiếu các quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính – Tiền Giang phát biểu liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo đại biểu đề án tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2011 – 2015 có 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp xử lý sở hữu chéo song kết quả đạt được rất thấp. Quản trị NH, quản trị rủi ro còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, tính công khai của các TCTD trong việc công bố chính xác tỷ lệ nợ xấu chưa thực hiện tốt, tình hình kinh tế khó khăn, niềm tin thị trường giảm sút cũng ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM hiện nay.

Để đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đại biểu kiến nghị:

(i) Cần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng nhằm tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước nhằm góp phần thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế, nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế nước ta hiện nay vốn đang khó khăn. 

(ii) Đẩy nhanh việc chuyển đổi hoặc quy hoạch lại dự án Bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai bởi nhiều lý khác nhau như thiếu vốn, dư cung. Giải quyết tình trạng đóng băng. 

(iii) Sớm sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sự phù hợp đồng bộ nhất là trong quan lý đất đai, phá sản doanh nghiệp thi hành án dân sự, cơ chế thực thi pháp luật tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện tốt thu hồi nợ xử lý tài sản nợ đảm bảo nhanh chóng nhằm hạn chế, khắc phục dần tình trạng nợ đọng nợ xấu của NH.

(iv) Quá trình tái cơ cấu hệ thống NH mới chú trọng tái cơ cấu tài chính, chưa chú trọng quản trị và hoạt động. Do vậy tới đây cần chú trọng hơn vào quản trị và hoạt động nhằm đảm bảo hệ thống NH sau tái cơ cấu hoạt động ổn định, phát triển bền vững góp phần đạt mục tiêu trước mắt và lâu dài .

(v) Từng bước thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, quản lý sở hữu chéo; xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong TCTD. 

(vi) Cần đề cao hơn nữa nguyên tắc thị trường, và kỷ cương kỷ luật an toàn trong hệ thống NH.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) phát biểu, tái đầu tư công chưa đạt được kỳ vọng của cử tri, đầu tư nhiều công trình quá hoành tráng, nhiều công trình có tầm nhìn nên xây lại đập hoặc nhiều công trình xây xong bỏ hoang trong đấy có cả các dự án ODA.

Đại biểu đề nghị sửa luật ngân sách nhà nước phải làm rõ để việc đầu tư thời gian tới tốt hơn
Tái cơ cấu DNNN nhìn chung là tốt nhưng tiến độ còn chậm so với yêu cầu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ CPH.

Tái cơ cấu hệ thống NHTM đúng lộ trình là điểm sáng của Đề tái cơ cấu chung. Đẩy lùi nguy cơ mất an toàn hệ thống, thêm vào đó nguồn cơ cấu lại chủ yếu đến từ vốn tư nhân. Tình trạng đô la hóa và vàng hóa được đẩy lùi làm tăng dự trữ ngoại hối góp phần ổn định vĩ mô.

Đại biểu Bùi Mậu Quân– Hải Dương cho biết: Từ đầu năm đến nay lực lượng công an chủ động phát hiện khởi tố điều tra 1.318 vụ, 20.109 tội phạm kinh tế. Một số vụ án lớn có thể kể đến như Vinashin, Vinalines, Bầu Kiên, Huyền Như, Công ty cho thuê tài chính II Agribank, Trường Ngân, vụ Hà Văn Thắm. Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngày một tinh vi như lấy cắp tiền, tội phạm công nghệ cao, lấy cấp thẻ tín dụng, rửa tiền, tiền ảo diễn ra phức tạp...

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cho rằng Tái cơ cấu đầu tư công về cơ bản đã giải quyết được việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. 

Đại biểu đề nghị phải làm rõ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn đầu tư công, luật đầu tư sửa đổi, đầu tư theo hình thức công – tư.

Quy mô nợ công đang có xu hướng tăng phải tích cực kêu gọi các hình thức đầu tư tư nhân vào các công trình đầu tư của nhà nước.

Nhà nước cần rõ ràng các công trình nào là phục vụ xã hội công trình nào là nhằm khai thác kinh tế để thu hút vốn tốt hơn trong thời gian tới.


Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) sau khi nêu lại các điểm nổi bật về tái cơ cấu đã được trình bày trong báo cáo, đại biểu cũng đưa ra ý kiến như nhiều đại biểu trước đó cho rằng việc tái cơ cấu đang được thực hiện chậm, hiệu quả chưa cao, đôi khi còn lúng túng.

Đại biểu này đề nghị, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn và đánh giá khách quan các tồn tại yếu kém để có giải pháp thực hiện tốt trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy nhanh các văn bản pháp luật tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Phạm Hồng Phong – Hậu Giang phát biểu về nợ xấu của hệ thống Ngân hàng. Theo đại biểu: Chúng ta chưa có kinh nghiệm về xử lý nợ xấu trong khi các chế tài các chế định tài chính của nước ta chưa đạt yêu cầu, cải cách thể chế kinh tế còn chậm. Đồng thời đại biểu băn khoăn nợ xấu sẽ tăng lên trong năm 2015 vì dự báo năm 2015 có khoảng 60.000 doanh nghiệp vắng mặt trên thị trường qua đó nợ xấu sẽ tăng. Đại biểu đề nghị: Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 lĩnh vực.

Về xử lý nợ xấu, đưa các TCTD hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, các tiêu chí cho vay, đánh giá tài sản đảm bảo theo tiêu chuẩn. Giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực. Nguồn lực lớn giải quyết nợ xấu nhanh hơn. Vì vậy, phải có nguồn lực nhất định tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, về nợ xấu nói riêng. Theo đại biểu phải lấy nguồn lực trong CPH Ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại từ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đề cao tính minh, bạch khách quan kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố.

Đại biểu cho rằng, đối với lĩnh vực đầu tư công toàn xã hội giảm nhưng phải đảm bảo hợp lý ở các lixnhv ực ưu tiên như nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Về tái cơ cấu DNNN phải đảm bảo bảo toàn được vốn nhà nước nhưng kèm theo đó là nên hạn chế hình sự hóa lĩnh vực này.

Cử tri đề nghị nhất là đề nghị đối với NHNN nên tạo điều kiện cho DN nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn để phục hồi.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
phát biểu, tái cơ cấu các TCTD, chính sách lạm phát được xem là lòng cốt trong điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, tái cơ cấu các TCTD được thực hiện đúng hướng trong thời gian. Nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, khả năng chi trả của TCTD được đảm bảo, nguồn lực thực hiện tái cơ cấu các TCTD đến chủ yếu từ khu vực tư nhân.

Đại biểu đánh giá cao động thái quyết liệt của Thống đốc NHNN những lần đi thực tế để có các NH đi cùng, đại biểu cho rằng, nếu các bộ khác cũng được thực hiện như thế thì các khó khăn được giải quyết rất nhanh.

Giải quyết các hậu quả các vấn đề liên quan đến tòa án, thi hành án tốn thời gian, việc hình sự hóa tội phạm ngân hàng sẽ làm giải khả năng thu hồi vốn và tăng chi phí thu hồi vốn.

Cơ chế chính sách hiện chưa tạo điều kiện cho nhiều đối tác được phép tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nợ xấu được ngân hàng nhà nước xác định đúng và đưa ra biện pháp xử lý chính xác và tốc độ tăng nợ xấu chậm lại. VAMC đã có vai trò to lớn trong giải quyết vấn đề nợ xấu nhưng nếu chỉ mình tổ chức này vấn đề nợ xấu sẽ không được giải quyết triệt để - đại biểu Thuyền nêu ý kiến.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng vấn đề tái cơ cấu là vấn đề lớn cần có thời gian và nguồn nhân lực thực hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo kết quả đánh giá bước đầu thì việc thực hiện tái cơ cấu đạt kết quả nhất định. Mới tiến hành 3 năm đã có kết quả thiết thực và đang có điều chỉnh cần thiết, hệ số ICOR đã giảm đáng kể, DNNN được xem xét để tái cơ cấu nhanh hơn, tái cơ cấu các hệ thống tín dụng được thực hiện quyết liệt.

Những tồn tại về tiến độ, phân bố nguồn lực có nhiều nguyên nhân là chưa coi trọng đến nguồn nhân lực và áp dụng khoa học kỹ thuật.

Đại biểu cho rằng, cần phải tái cơ cấu nguồn nhân lực gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Cụ thể:

i- Hiện nay, nguồn nhân lực phân bổ chưa hợp lý nếu nhà nước không có giải pháp điều phối nhân lực thì không có nhân lực thực hiện tái cơ cấu.

ii- Cơ cấu nguồn nhân lực còn bất hợp lý. Theo kết quả khảo sát thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,78 điểm (trong thang điểm 10 của quốc tế).

iii- Cơ cấu lại năng suất lao động, nhất là trong lĩnh vực lao động.

iv- Hiện có 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ra trường không có việc làm.

Đại biểu Phùng Ngọc Hùng – Cao Bằng trao đổi về những hạn chế, bất cập:

(i) Nền kinh tế là 1 thể thống nhất, việc tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực trọng điểm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng) là cần thiết nhưng không thể không tiến hành tập trung tiến hành tái cơ cấu lao động, tái cơ cấu bộ máy nhà nước, tái cơ cấu kinh tế vùng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Tư tưởng tái cơ cấu là việc của trung ương còn khá phổ biến nên việc triển khai và kết quả đạt được của tái cơ cấu ở địa phương còn mờ nhạt.

(ii) Thiếu sự quyết liệt, thiếu sự tham gia của toàn xã hội, tinh thần trong lĩnh vực NH chưa mang tính chất tổng thể của hệ thống. Tái cơ cấu thực chất là một sự đột phá. Tái cơ cấu DNNN, trong năm 2011, mới chỉ CPH được 12 DN, năm 2012 là 13 DN và năm 2013 được 74 DN để rồi lộ trình qui hoạch cổ phần hóa DNNN cho 2 năm 2014-2015 phải gánh đến 432 DN. VAMC là sáng kiến hay nhưng chưa có cơ chế. Nhà nước phải vừa giữ vai trò tổ chức thực hiện một số vấn đề trọng điểm, vừa định hướng dẫn đường cổ vũ cho cả hệ thống để đảm bảo 1 cách hiểu, cùng vào cuộc.

(iii) Cơ chế kiểm tra giám sát chưa hữu hiệu.

Về giải pháp, đại biểu đồng tình với 10 giải pháp trong báo cáo giám sát của UBTVQH và bổ sung giải pháp như sau:

(i) Chính phủ lập ngay nhóm công tác về tái cơ cấu đúng đầu là Phó thủ tướng chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, triển khai công tác tái cơ cấu, hàng quý báo cáo công tác tại phiên họp Chính phủ.

(ii) Hàng năm Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về kết quả tái cơ cấu vào kỳ họp cuối năm.

(iii) Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách phát triển thị trường mua bán nợ phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút nguồn lực không nhỏ trong xã hội.

( iv) Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn nữa thông qua việc cơ cấu lại và sáp nhập các TCTD có sự tham gia của những ngân hàng mạnh.

Đại biểu Trương Minh Hoàng – Cà Mau kiến nghị một số nội dung sau:

(i) Địa phương nào cũng có nhu cầu đầu tư chính đáng và đầu tư lớn; DNNN được ưu ái trong thời gian dài đóng vai trò chủ đạo, không muốn san sẻ cho các thành phần kinh tế khác;... không tránh sự hút hẫng kéo dài trong thời gian qua. Vì vậy, yêu cầu đặt ra khắc phục tình trạng trên một sớm một chiều là không tưởng.

(ii) Thực trạng đầu tư công tràn lan vượt quá tầm kiểm soát, chỗ cần thiết chưa có, chỗ làm xong chưa có người sử dụng. Vì vậy, việc tái đầu tư công cần quan tâm một số chương trình mục tiêu, kể cả dự án mới nếu được triển khai sẽ tranh thủ được các nguồn lực quốc tế và trong nước như: Vệ sinh môi trường, nước biển dâng.... nguồn vốn TPCP đầu tư cho đường về nông thôn, xã; dự án đường Hồ Chí Minh.

Nếu là dự án công trình mới mang tính đột phá như dự án xây dựng Sân bay Long Thành cần được sự ủng hộ đồng tình để có được chủ động trong thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt nguồn lực trong dân.

(iii) Giải quyết mạnh vấn đề nợ xấu. Việc thành lập VAMC với giải pháp không dùng NSNN để xử lý nợ xấu mà bằng cơ chế hoạt động là chưa đủ mà đồng thời đó cần ban hành những quy định đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm thuận lợi giải quyết nhanh hiệu quả đúng pháp luật các khoản nợ đã mua. Cần có giải pháp phù hợp cho hệ lụy, nếu chúng ta thu và giải quyết vấn đề tài sản đảm bảo là nhà ở, cơ sở sản xuất duy nhất của người dân chúng ta cần tính đến giải pháp cho họ điều kiện sống tránh đưa họ ra xã hội gây gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng – Đồng Tháp kiến nghị:

(1) Chính phủ cần có chính sách để nông dân chí thú với nông nghiệp có điều kiện thuê thê đất, san bằng đồng ruộng để có điều kiện sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) hỗ trợ các tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến như Nhật, Hà Lan. Kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển liên doanh, liên kết quốc tế giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Đề nghị Bộ NNPTNT đẩy mạnh chương trình lai tạo khảo nghiệm các giống cây bắp, đậu nành để đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa và thay thế hàng nhập khẩu.

Đề nghị Bộ khoa học công nghệ (KHCN) có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách theo luật công nghệ cao.

(2) Lấy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết vùng làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để thực hiện nội dung này tôi kiến nghị:

Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức vay tín chấp phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và mở rộng đối tượng cho vay thí điểm theo chuỗi đối với các sản phẩm lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về Hợp tác xã nông nghiệp để có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đóng vai trò nồng cốt trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Sớm trình Chính phủ quyết định ban hành quy chế về liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài chính xem xét cho áp dụng các chính sách hỗ trợ như: doanh nghiệp, các trang trại có đang ký sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo Nghị định 210 của CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Bộ Công thương sớm ban hành và triển khai thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo Nghị định 109.

(3) Xác định Nhà nước phải làm tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới thể chế cơ chế chính sách trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh việc tăng quy mô và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công cần mở rộng các hình thức đầu tư để huy động nguồn vốn từ khu vực tư bao gồm cả nguồn nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt cần nghiên cứu hoàn thiện hình thức hợp tác công tư – PPP một cách đa dạng.

Đại biểu kiến nghị: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bổ sung vào nội dung các lĩnh vực đầu tư trong dự thảo nghị định về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP trong các lĩnh vực như: phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, Xây dựng các khu cụm công nghiệp dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu để mở rộng bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro cho nông dân.

(iv) Đẩy mạnh rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp - đây là giải pháp quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng quy mô, tăng năng suất, tăng thu nhập. Cần phải xây dựng các chương trình đào tạo nghề để chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp kể cả đưa lao động sang làm việc quốc gia khác. Xây dựng chương trình cung cấp thông tin việc làm, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, nghiệp đoàn.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận đánh giá đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã và đang đi đúng hướng, đúng lộ trình và có cơ sở cho giai đoạn tiếp theo. Liên quan đến xử lý nợ xấu, đại biểu cho rằng coi việc xử lý nợ xấu là chỉ trông chờ vào sự cố gắng của ngân hàng là không đúng. Bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi sự tham gia nổ lực của các ngành các cấp.

 Đại biểu Vương Thị Thanh – Bắc Kạn có những kiến nghị như sau:

(i) Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện các luật liên quan đến đề án tái cơ cấu. Chính phủ cần sớm ban hành đề án tái cơ cấu đầu tư công với các mục tiêu chỉ tiêu phân định rõ trách nhiệm thẩm quyền của trung ương, thẩm quyền của địa phương và lộ trình cụ thể để đảm bảo căn cơ trong quá trình thực hiện.

(ii) Trong xây dựng tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công cho giai đoạn 2016 – 2020 cần xem xét tính toán đến đặc thù của địa phương như: tỷ lệ số xã, thôn, bản vùng cao biên giới, hải đảo; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ che phủ rùng. Xem xét tăng nguồn đầu tư công cho các địa phương nghèo, biên giới hải đảo để đảm thực hiện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo lộ trình.

(iii) Thực hiện đề án sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh tại các địa phương miền núi, đại biểu đề nghị Chính phủ có chính sách ưu tiên đưa các doanh nghiệp NN vào danh mục được hưởng tín dụng ưu đãi với kỳ hạn theo chu kỳ thu hoạch đối với vùng sản, đồng thời hỗ trợ đia phương kinh phí công tác địa chính thực hiện phân định ranh giới giữa lâm trường với các hộ dân sinh sống lâu năm trong khu vực này.

(iv) Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn trong cổ phần hóa DNNN để đảm bảo tiến độ. Có chính sách hỗ trợ thỏa đáng với người lao động thuộc DNNN sau cổ phần hóa.


>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/10

>>>Nội dung phiên Thảo luận tại Hội trường sáng ngày 30/10

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10


Khánh Nhi - Thanh Giang

hanhle

Tài chính Plus

Trở lên trên