MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp Quốc hội] Tại sao chúng ta không phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa?

"Người nông dân làm ra nông sản còn gặp khó khăn do việc kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu đó chẳng có ý nghĩa gì…”

“Tại sao chúng ta không tạo ra các định chế phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa như các nước trên thế giới đã làm hàng trăm năm qua?”

Đại biểu Nguyễn Thị Huệ của tỉnh Đak Lak nêu câu hỏi như vậy trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào ngày 30/10/2014.

Việt Nam vốn là đất nước có lợi thế về nông nghiệp và hiện đang đứng nhất nhì thế giới về những mặt hàng nông sản có giá trị cao với 3 loại nông sản tiêu biểu và quan trọng nhất là hồ tiêu, gạo, cà phê.

Theo số liệu của đại biểu Nguyễn Thị Huệ, về hồ tiêu, có 18 tỉnh thành trong cả nước trồng được tiêu – loại cây có giá trị cao, đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân. Trong những năm qua, nhờ sự bình tĩnh của nông dân cùng với những thông tin kịp thời từ hiệp hội, các doanh nghiệp có cơ hội tạo nguồn hàng, chủ động đàm phán ký hợp đồng xuất khẩu, tránh bán hàng trên giấy, tránh rủi ro. Nhờ đó, những năm gần đây, hồ tiêu trong nước bình ổn, giá tiêu trong nước và xuất khẩu cao trong vụ thu hoạch.

Về cà phê, sản lượng chỉ đứng sau Brazil nhưng con số xuất khẩu thì cao vượt đất nước này.

Đem lại giá trị lớn cho đất nước và lượng xuất khẩu nông sản hiện nay cũng không nhỏ trên thương trường thế giới. Thế nhưng trừ hồ tiêu - mặt hàng mà người nông dân đã quyết định được phần nào giá cả cho mình thì cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn nằm trong thế rất bấp bênh. Đại biểu tỉnh Đak Lak cho rằng, không chỉ do thiếu tính ổn định giá cả của các yếu tố bên ngoài thị trường mà còn do các định chế của Việt Nam đối với thị trường.

“Chúng ta thừa những quy định mang tính trói buộc nhưng lại thiếu những giải pháp hỗ trợ cho người nông dân.” – đại biểu nhận xét.

Nêu ví dụ đối với gạo, theo bà Huệ, đã có nhiều cơ quan truyền thông lên tiếng về việc những cơ chế tạo điều kiện cho việc độc quyền xuất khẩu phát triển nhưng chưa có biện pháp nào nhằm giúp khống chế điều này.

Trong quá khứ, tại Việt Nam đã có sàn giao dịch điều Bình Phước, sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ nhưng tất cả đều nhanh chóng chết yểu dù Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng nông dân không mặn mà với cách thức mua bán của sàn giao dịch vì họ chỉ quen với cách thức giao dịch truyền thống.

“Tôi nghĩ đó chỉ là một phần nhưng chủ yếu do chúng ta chưa tạo ra đúng những định chế theo cơ chế thị trường. Nhiều sàn giao dịch bị trói buộc trong những quy định rất lạ so với thông lệ quốc tế khiến cho chúng ta khó hòa nhập.” – đại biểu nêu ý kiến.

Theo đó, bà Huệ nhấn mạnh, đã đến lúc phải tìm những chuyên gia giỏi về sàn giao dịch hàng hóa để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền.

“Ngày nào chúng ta chưa làm được điều này thì người nông dân chưa thể có một chỗ đứng minh bạch để quyết định, công khai giá cả cho sản phẩm của mình. Ngày nào còn bằng lòng với phương pháp truyền thống, còn áp đặt quy định của riêng mình lên quy luật chung của thị trường thì ngày đó vẫn còn len lỏi vấn nạn độc quyền len lỏi vào và hạn chế sự hòa nhập với thế giới!” – bà Nguyễn Thị Huệ nói và khẳng định lại “Từ trước đến nay, chúng ta tự hào về xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng thực chất lợi nhuận đem lại không lớn. Người nông dân làm ra nông sản còn gặp khó khăn do việc kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu đó chẳng có ý nghĩa gì…”

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên