Hợp tác công - tư đầy rẫy rủi ro
Cuối năm 2013, chuyện Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung - Nhật Bản (Nexco Central) chính thức xin không tham gia đầu tư Dự án BOT nâng cấp đường Cầu Giẽ - Ninh Bình vào giờ chót gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Bởi trước đó, năm 2012, chính Nexco Central đã đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải xin đầu tư vào dự án này.
Cần phải nói thêm rằng, đây là một dự án thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước. Việc Nexco Central ứng cử thực hiện dự án “nhỉnh hơn” vì nhận được sự giới thiệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tại cuộc hội đàm vào cuối tháng 9/2013 giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản, ông Akihiro Ohta, sự kiện này còn được coi là một trong những hợp tác trọng điểm về hạ tầng giữa hai nước… Thế nhưng, sau khi vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh, Nexco Central đã bỏ cuộc chơi mang theo giấc mộng về sự thành công của mô hình hợp tác công - tư (PPP) với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong cuộc họp báo thường niên ngày 6/3/2014, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Mori Mutsuya lại gieo tia hy vọng mới cho khả năng thu hút vốn ngoại cho biết, Dự án Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ trở thành mô hình thử nghiệm dự án PPP trong tương lai.
Theo đó, Nhật Bản sẽ đầu tư 140 tỷ Yên xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cảng. Phần vận hành sẽ do DN tư nhân đảm trách… “Trong khi nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn thì việc làm thế nào để thu hút nguồn vốn tư nhân nước ngoài không chỉ nhìn vào vốn ODA”, ông Mori Mutsuya khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc thu hút vốn tư nhân vào dự án hạ tầng chưa nhiều không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của chung các nước châu Á. Thực tế cho thấy, không có nhiều những dự án PPP thành công ở các nước châu Á khác. Điều này xuất phát từ quan điểm thu hút nguồn vốn tư nhân với các dự án PPP.
Theo Mori Mutsuya, tùy theo tính chất dự án PPP, Chính phủ cân nhắc sự tham gia của đối tác nước ngoài vì nếu vấn đề là vốn, có khi chỉ cần nhà đầu tư tư nhân trong nước. Nhưng, khi dự án cần có sự chuyển giao về công nghệ, quản lý tiên tiến… thì nhà đầu tư nước ngoài là một lựa chọn.
“Chính phủ cần chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài và nên xem xét nó trên quan điểm cạnh tranh. Thay vì đầu tư vào một dự án tại quốc gia khác, nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào Việt Nam thì đây là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm”, ông Mori Mutsuya khuyến nghị.
Quay trở lại với điểm nghẽn của Dự án BOT nâng cấp đường Cầu Giẽ - Ninh Bình là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề đau đầu đối với cả Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Thế nên, “tự chịu rủi ro giải phóng mặt bằng là điều không tưởng”, ông Mori Mutsuya phân tích về sự ra đi của Nexco Central.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin nhà đầu tư Nhật Bản đòi tăng chi phí khi dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Mori Mutsuya cho biết không nhận được thông tin chính thức nào.
Tuy nhiên, một lần nữa ông nhấn mạnh về chính sách thu hút PPP. Vì khi tham gia vào dự án, để kịp thi công khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng theo thời hạn quy định, trước đó, nhà thầu đã phải ký hợp đồng nhân sự, nguyên vật liệu… Giải phóng mặt bằng chậm, rủi ro sẽ đến với nhà thầu khi các hợp đồng bị phá vỡ, phát sinh tiền lãi mua nguyên vật liệu, ứng trước…
Vấn đề là ai sẽ gánh chịu chi phí rủi ro này, chủ đầu tư hay nhà thầu, ông Mori Mutsuya đặt câu hỏi. Với bất kỳ nhà thầu nào, họ sẽ không ký vào hợp đồng nếu không thể giải quyết được các vấn đề của họ.
Ví dụ như, không có chủ thầu nào chịu ký vào hợp đồng nếu ghi chậm 3 tháng giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ phải tự thanh toán rủi ro. “Nên có những quy định pháp luật liên quan đến thời hạn quá hạn trong việc thực hiện hợp đồng”, ông Mori Mutsuya nói.
Quan trọng hơn, để thu hút vốn ngoại vào các dự án PPP thì Việt Nam sẽ phải giải quyết được những yếu tố mang tính lý luận như rủi ro trong dự án PPP là gì? Giải pháp giảm thiểu rủi ro? Ai sẽ là người gánh chịu rủi ro?... Trước khi những vấn đề này chưa được giải quyết bằng các chính sách, văn bản pháp luật… thì việc thu hút vốn ngoại vào dự án PPP sẽ vẫn là một bài toán khó.
Theo Nhất Thanh