HSBC: Hội nghị Mỹ - ASEAN sẽ là cú hích cho nền kinh tế
Những cuộc thảo luận kinh tế diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ/ASEAN có thể tạo ra bước tiến về hợp tác kinh tế và cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ.
- 14-02-2016Ba tâm điểm ở Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN
- 13-02-2016Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
- 13-02-2016Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ sẽ diễn ra từ ngày 15-16/2
Nhận định trên được HSBC đưa ra nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ/ASEAN đang diễn ra tại Hoa Kỳ.
Các vấn đề về an ninh biên giới, quốc phòng, hợp tác thương mại và nền nền kinh tế rộng mở đã được lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng ngồi lại, bàn thảo với các nhà lãnh đạo Mỹ. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ/ASEAN được tổ chức trên đất Mỹ và nối tiếp đà phát triển về quan hệ đối tác chiến lược được Mỹ/ASEAN thiết lập tháng Mười Một năm 2015.
Theo đánh giá của nhà kinh tế học thương mại Doug Lippoldt của HSBC: “Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khá ảm đạm, việc mở cửa thị trường và tạo dựng sự kết nối cho các doanh nghiệp mang ý nghĩa quan trọng để có thể tận dụng những cơ hội kinh tế mới. Việc tự do hóa thương mại có thể tạo ra khả năng để đạt được mục tiêu này.”
Làn gió mới trong bối cảnh kinh tế ảm đạm
Mỹ hiện là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách thị trường xuất khẩu và nguồn nhập khẩu của các nước ASEAN, có thể kỳ vọng cải thiện thương mại hai chiều với khối này nếu các lãnh đạo có thể hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược thành những hành động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại.
Cũng theo phân tích của Lippoldt, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và ASEAN có thể đưa tới những lợi ích cho cả hai bên. Nếu như Mỹ có nhiều hơn cơ hội hơn để thâm nhập vào các nền kinh tế đang tăng trưởng gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, thì các nước ASEAN lại có thể bước vào một thị trường tiêu thụ rộng lớn, có mức tiêu dùng đang tăng lên. Đồng thời, tiếp cận một thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng giúp các nền kinh tế ASEAN nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất.
Một yếu tố quan trọng trong cải thiện quan hệ thương mại hai chiều giữa hai khu vực là Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây được đánh giá là một siêu hiệp định với sự tham gia của 12 nước trong đó có 4 nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam và Mỹ cũng là một thành viên.
Thêm động lực mới từ TPP
Hiệp định mới được ký kết này đang chờ sự phê chuẩn của các nước thành viên. Đại diện cho 40% sản lượng và 25% xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn thế giới, TPP sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị.
“TPP có tác dụng thúc đẩy nâng tầm quan hệ thương mại Mỹ/ASEAN. Chúng tôi nghĩ rằng TPP có thể tác động tới thương mại thông qua việc dỡ bỏ không chỉ các hàng rào thương mại tại biên giới mà còn cả những hàng rào đằng sau biên giới như các quy định không đồng nhất đang ngăn cản giao thương dịch vụ, đầu tư và chuyển giao công nghệ,” cũng theo Lippoldt.
Do vậy, các cuộc đàm thoại tại Hội nghị sẽ khẳng định vai trò tích cực của TPP đối với việc mở rộng quan hệ thương mại và khuyến khích quá trình phê chuẩn của các nước thành viên. Hơn nữa, các cuộc đàm thoại này có thể tạo ra cơ hội để các thành viên ASEAN vốn chưa tham gia vào TPP tìm hiểu những khả năng để gia nhập hiệp định thương mại cao cấp này.