3 nhóm đối tượng sẽ gặp khó khi tham gia TPP
Theo TS. Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cơ hội đối với doanh nghiệp có khả năng liên kết đối tác đầu tư nhưng sẽ là bất lợi đối với 3 nhóm doanh nghiệp.
- 15-02-2016Thông điệp về TPP từ bài viết của Thủ tướng Chính phủ
- 15-02-2016Thủ tướng nói về Hiệp định TPP, cơ hội và thách thức - hành động của chúng ta
- 14-02-2016TPP “đánh thức” dệt may miền Trung
Những doanh nghiệp gặp khó
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, khi tham gia TPP, hàng rào thuế quan của chúng ta sẽ phải giảm để hàng hóa của 11 nước thành viên khác có điều kiện xâm nhập thị trường Việt Nam. Do đó những doanh nghiệp nào trước đây được hưởng ưu đãi từ Nhà nước như DNNN hay doanh nghiệp sản xuất nhưng hiện giờ những ưu đãi đấy nằm trong diện TPP cấm sẽ là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tiên.
Nhóm doanh nghiệp gặp khó thứ 2 theo ông Huỳnh là những ngành liên quan đến nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực mà việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa nước ngoài tràn vào cạnh tranh trực tiếp khiến đối tượng này bị tổn thương nhiều nhất như các ngành chăn nuôi, rau quả.
Nhóm thứ 3 là những ngành hàng bị ràng buộc bởi sở hữu trí tuệ hay liên quan đến môi trường cũng sẽ gặp phải khó khăn bởi TPP là một hiệp định đòi hỏi những thành viên phải mở cửa thương mại sâu rộng.
Nếu nhìn từ góc độ thị trường dịch vụ, những doanh nghiệp nhỏ làm ăn kiểu cò con hay doanh nghiệp quy mô gia đình cũng sẽ gặp khó khăn hơn vì TPP mở cửa không đơn thuần là hàng hóa mà còn là dịch vụ, đầu tư nên những đối tượng trên thị trường nội địa sẽ gặp nhiều thách thức.
Đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung sẽ có nhiều thuận lợi, nếu gặp khó khăn chủ yếu là hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại.
Cơ hội và giải pháp
Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó nêu trên, theo ông Huỳnh, TPP còn mở nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng có khả năng cạnh tranh với thị trường 11 nước còn lại. TPP cũng mang lại cơ hội đối với doanh nghiệp có khả năng liên kết với đối tác đầu tư từ các thành viên TPP.
TPP cũng mở ra nhiều cơ hội đối với những ngành như dệt may, giầy dép, điện tử. Những ngành này sẽ là thế mạnh giúp Việt Nam khẳng định được vị trí trong những quốc gia tham gia TPP bởi đây là những mặt hàng phần lớn các nước trong TPP không sản xuất nên không cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.
Do đó, ông Huỳnh cho rằng, đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất mặt hàng, cần tìm hiểu thị trường, nắm rõ thế mạnh mặt hàng truyền thống là gì để chuyển đổi. Với nhóm doanh nghiệp có khả năng liên kết với đối tác đầu tư, việc liên kết trên thị trường nội địa rõ ràng sẽ nâng cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp lên nếu hàng hóa của doanh nghiệp có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư TPP.
Ông Huỳnh cũng lưu ý đối với vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP. Theo ông Huỳnh, chúng ta đã có một khung khổ pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối tương thích với thế giới nhưng việc thực thi còn nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, những quy định chung về sở hữu trí tuệ hiện đã ở mức độ cao nhưng yêu cầu trong TPP còn cao hơn, cụ thể ở chế tài về tịch thu, xử lý thiệt hại bao gồm xử lý hành chính, kiện tụng và các biện pháp hình sự…Do đó, việc chúng ta thực hiện các cam kết sở hữu trí tuệ cũng có nghĩa làm cho doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên. Đó là tinh thần cơ bản của TPP mà những hiệp định thương mại khác chưa đạt được.