MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Xuất khẩu Việt Nam căng buồm vượt sóng to

Mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc giảm sút và khí hậu lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống nhưng trong 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 12,3%

Ngày 04/03/2014, Ngân hàng HSBC công bố báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo, các chuyên gia tin tưởng rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ mạnh khi xuất khẩu hàng nông sản phục hồi đặc biệt là mặt hàng cà phê, cũng như nhu cầu từ các nước phương Tây tăng và đầu tư vào sản xuất dệt may chính thức đưa vào hoạt động.

Hiệp ước TPP có thể bị trì hoãn cho đến khi Mỹ và Nhật giải quyết được các vấn đề về tiếp cận thị trường

Theo đa số các dự đoán, Việt Nam là một quốc gia có thể hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ và hưởng các mức thuế suất thấp hơn cho các mặt hàng sản xuất của Việt Nam.

Trong khi các nhà đàm phán đang rất hy vọng rằng một dự thảo hiệp ước sẽ hoàn tất trong tháng 4, thật đáng tiếc là các cuộc nói chuyện cấp bộ trưởng được tổ chức ở Singapore đã không kết thúc thành công. Nhật Bản rất cứng rắn đối với các ngành công nghiệp quan trọng như gạo, thịt, lúa mì, sữa và đường. Còn thị trường Mỹ lại khá nhạy cảm đối với các nhà sản xuất đường, dệt trong nước và hải sản.

Khi vòng đàm phán tiếp sau vẫn chưa xác định được ngày, các nhà thương thuyết vẫn hy vọng rằng bản thảo của hiệp ước sẽ hoàn tất trong tháng 4, cùng lúc với chuyến đi tới Nhật của Tổng thống Obama trong cuộc hành trình đến thăm các nước trong khu vực. Chính quyền Obama đang ra sức thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn hiệp ước TPP theo phương thức “fast-track” (ngã tắt) - nghĩa là Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận hay chống cho các hiệp định thương mại trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Harry Reid – lãnh tụ phe đa số trong Thượng viện Mỹ đã từ chối. Điều đó có nghĩa rằng hiệp ước TPP có thể sẽ bị trì hoãn cho đến khi Mỹ và Nhật có thể giải quyết được các vấn đề về tiếp cận thị trường.

Xuất khẩu Việt Nam: căng buồm vượt sóng to

Theo HSBC, nhu cầu nước ngoài về hàng hoá sản xuất tại Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Xuất khẩu hàng điện tử vẫn giảm do mặt bằng giá cả không thuận lợi (tăng 37% trong năm 2013; tăng 86% trong năm 2012), trong khi mặt hàng dệt và may mặc lại đang tăng lên.

Mặc dù nhu cầu ở Trung Quốc giảm sút và khí hậu lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo nhu cầu tiêu dùng đi xuống nhưng trong 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 12,3%. Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC cho thấy xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trong tháng Hai mặc dù có vài chỉ số phụ giảm sau khi đã trải qua tháng Giêng tăng mạnh. Đơn hàng xuất khẩu mới là lực kéo chính đã giảm từ mức 52,2 trong tháng Giêng xuống còn 49,3 điểm trong tháng Hai.

Các chuyên gia kinh tế HSBC tại Mỹ đã kỳ vọng tăng trưởng Mỹ sẽ mạnh hơn trong năm 2014 so với năm 2013. Một tin tốt lành khác đến từ Khu vực Đồng tiền chung châu Âu cũng đã thúc đẩy nhu cầu hàng hoá trong những tháng tới. Trong khi nhu cầu của Trung Quốc có thể chậm lại, các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam chính sẽ là châu Âu và Mỹ.

Xuất khẩu các mặt hàng sản xuất chắc chắn sẽ trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên giá cả hàng hoá cũng là vấn đề đối với giá trị hàng xuất khẩu khi xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã mất giá trị trong hai năm gần đây.

Số lượng xuất khẩu dầu thô đã giảm đáng kể kể từ đầu những năm 2000 do nhu cầu đối với dầu nội địa tăng và năng suất lọc dầu trong nước đang tăng. Nhưng đối với những mặt hàng khác như gạo, cà phê và cao su, số lượng hàng xuất khẩu vẫn tăng trong suốt thời kỳ. Gạo, một nguồn thu xuất khẩu quan trọng đã giảm giá trị do sản lượng dư thừa trên thị trường quốc tế đã khiến người nông dân phải giảm số lượng bán ra. Cà phê cũng trải qua tình hình tương tự khi giá giảm trong năm ngoái.

Tuy nhiên, các điều kiện trong nước lại không mấy thuận lợi. Chỉ số lạm phát tháng Hai yếu hơn mong đợi cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị lòng tin người tiêu dùng yếu kéo xuống. Người tiêu dùng chỉ mua những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm trong khi lại cắt giảm những sản phẩm khác như chi tiêu cho nhà cửa và mua quần áo may mặc.

Mặt bằng giá cả sẽ không mấy thuận lợi nếu như nhu cầu trong nước vẫn tiếp tục thấp từ tháng 3 cho đến tháng 6/2014. Giá gas được thông báo tăng sẽ tăng áp lực lạm phát nhưng mức thay đổi là khá nhỏ chỉ ở khoảng tăng 1%.

Kỳ vọng lạm phát quý II sẽ tăng

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ tăng nhẹ trong quý II.2014 do mặt bằng giá cả không mấy thuận lợi và giá năng lượng có tiềm năng sẽ tăng cao hơn.” – HSBC đánh giá.

Với giá cả một số mặt hàng cơ bản đang giảm và giá năng lượng tăng nhẹ từ từ, HSBC hạ dự báo chỉ số lạm phát năm 2014 từ mức 7,3% xuống còn 6,5% và cho rằng lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và xăng dầu) sẽ giảm thêm khi nền kinh tế tiếp tục hoạt động dưới mức khuynh hướng.

Các chuyên gia đánh giá, điều kiện trong nước của Việt Nam tiếp tục suy yếu do vấn đề nợ xấu lớn vẫn còn đang treo lơ lửng và tốc độ cải cách hệ thống tài chính chậm chạp. Với áp lực lạm phát thấp hơn, NHNN có thể giữ lãi suất ổn định lâu hơn. Vì vậy, HSBC dự báo lãi suất không tăng cao trong quý II.2014. Lãi suất OMO kỳ vọng sẽ giữ ổn định ở mức 5,5% trong năm 2014.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên