MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ì ạch công nghiệp hóa: 3 năm 1 dự án công nghiệp hỗ trợ

Chỉ còn 6 năm để cán đích nước công nghiệp hoá, nhưng VN vẫn đang loay hoay ở điểm đầu tiên của nấc thang này. Nội địa hóa thất bại, VN vẫn đang mon men rìa ngoài của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Ưu đãi có mà như không có

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Đây thực chất là khởi động lại một dự án chính sách bị tồn đọng từ 3 năm nay và không ít người lo ngại, liệu kịch bản cũ có xảy ra?

Cách đây hơn 7 năm, dự án ra đời Nghị định về ngành công nghiệp hỗ trợ đã rộn ràng soạn thảo. Yêu cầu được đặt ra khá bức thiết, khi Việt Nam vừa gia nhập WTO, quy hoạch ngành này cũng đã được ban hành.

Thế nhưng, Bộ Công Thương đã mất tới 4 năm họp bàn, sửa đi sửa lại, vẫn không đi đến được sự thống nhất cuối cùng. Mỗi Bộ một ý và hầu hết, đều phản đối các ưu đãi cụ thể mà Bộ này đề xuất, vì e ngại vi phạm WTO.

Rốt cục, kế hoạch này đành phải đắp chiếu, Quyết định số 12 về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng ký ban hành năm 2011 như một sự thay thế vào giờ chót với nội dung quá ngắn gọn và chung chung.

Đánh giá về điều này, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các ưu đãi tại đây không mới và chỉ đơn giản là liệt kê tham chiếu các ưu đãi ở các văn bản khác. Hệ quả là, muốn có được 1 ưu đãi, các doanh nghiệp sẽ phải đọc sàng lọc khoảng 10 văn bản khác nhau, đủ các cấp từ Nghị định, Thông tư, Quyết định...

Khi ưu đãi nằm rải rác ở nhiều văn bản như vậy thì dẫn tới sự khó hiểu cho nhà đầu tư là tất yếu và việc áp dụng vào đời sống kinh tế sẽ phức tạp và khó khăn.

Đến hôm nay, thực tế đó càng được khắc hoạ rõ nét hơn bởi, chẳng có một DN Việt Nam nào đầu tư công nghiệp hỗ trợ được thụ hưởng được các chính sách đó.

Ông Trần Anh Vương, Giám đốc công ty Bắc Việt tự nhận mình là một trong số những kẻ rất đau đớn với cái gọi là ưu đãi công nghiệp hỗ trợ.

"Suốt 4 năm nay chúng tôi đã làm linh kiện cho Canon, Samsung nhưng chẳng được ưu đãi gì. Năm 2009, khi làm dự án, Chính phủ kích cầu, bù lãi suất ưu đãi 4%. Lãi suất thị trường khi đó là 10%, trừ đi, doanh nghiệp chỉ còn phải vay với lãi suất 6%. Nhưng sau 1 năm, hết kích cầu, ngân hàng tăng vọt lên lãi suất 20%. Giờ, chúng tôi vẫn đang phải vật lộn với lãi suất 24%/năm, rất nhiều dự án bị sập, doanh nghiệp lao đao".

"Quyết định 12 cho phép hưởng hỗ trợ trong đào tạo. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, tỉnh yêu cầu doanh nghiệp cứ đưa lao động đến trung tâm đào tạo nghề của tỉnh để học miễn phí, chỉ đóng thêm 1 triệu/người. Tôi nói thật, nếu đưa toàn bộ lao động của tôi đến đó thì sẽ chả học được cái gì", ông Vương kể tiếp.

Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, có doanh nghiệp ở trong Tp HCM, đầu tư dự án dưới 20 tỷ đồng nhưng muốn được ưu đãi thì cũng phải gửi dự án tới Bộ Công Thương để Hội đồng của Bộ thẩm định. Thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp dễ nản lòng, bởi nếu tham gia, không chừng chi phí xin- cho lại còn tốn hơn.

Đối chiếu với các quy định hiện hành mới phát hiện một nghịch lý troé nghoeo là các dự án sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ lại không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư, không được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai...

Thất bại là mẹ thành công?

Sau Quyết định 12 nói chung, còn có thêm Quyết định 1556 của Thủ tướng ban hành năm 2012 về trợ giúp DNNVV trong công nghiệp hỗ trợ.

Nhưng trong 3 năm qua, chỉ có duy nhất một dự án làm linh kiện điện tử tại Hải Phòng, với tổng giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD là đối tượng được ưu đãi theo Quyết định 12. Ngoài ra, có thêm 200 doanh nghiệp cung cấp phụ tùng, linh kiện được đăng tải trên trang web cung cấp thông tin - một hạng mục quan trọng phải thực hiện của Quyết định 1556 chỉ như một bản giới thiệu về thành tựu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thay vì xúc tiến kết nối giao thương.

Kéo theo, những mục tiêu to tát của quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2007 đến nay đã bị trễ hẹn.

Công-nghiệp-hỗ-trợ, phụ-trợ, ô-tô, nội-địa-hoá, ốc-vít, dệt-may, xuất-khẩu, Samsung, FDI, công-thương

Những mục tiêu to tát của quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2007 đến nay đã bị trễ hẹn.

Chẳng hạn như với ngành dệt may, mục tiêu đặt ra là năng lực trong nước phải đáp ứng được 30% nhu cầu vải dệt vào năm 2010, 39% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020.

Thực tế, đến năm 2013, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu tới 6 tỷ m2 vải trên tổng số nhu cầu sử dụng là 6,9 tỷ m2 trong công đoạn may. Chúng ta vẫn phải phụ thuộc tới 86% nguồn vải từ bên ngoài, đặc biệt, phụ thuộc Trung Quốc tới 46% trong chuỗi cung ứng dệt nhuộm hiện nay.

Trong khâu dệt, nhuộm, mỗi năm ngành này cần 5,9 tỷ vải mộc cho thị trường Mỹ, Nhật, EU thì các cơ sở nhuộm nhỏ lẻ và các doanh nghiệp còn lại chỉ đáp ứng được 1,4 tỷ m2 vải.

Các phụ kiện đã được xác định cần đáp ứng đủ thì hiện, vẫn phải nhập lớn từ bên ngoài như cúc áo, chỉ, khoá kéo...

Tỷ lệ sử dụng linh kiện điện- điện tử nội địa trong các nhà lắp ráp Việt Nam ở mức quá khiêm tốn. Đối với các sản phẩm gia dụng, tỷ lệ cung ứng các linh kiện này trong nước chỉ đạt 30-35%, với ngành điện tử tin học, viễn thông, chỉ đạt 15%, điện tử chuyên dụng càng thấp nữa, chỉ đạt 5%. Ngành ô tô xe máy có cao hơn khi đạt 40% tỷ lệ cung ứng linh kiện điện- điện tử trong nước.

Ngành ô tô, đặc biệt là ô tô con liên tục bị chỉ trích cho sự lỗi hẹn nội địa hoá suốt 3 năm qua. Quy hoạch ngành công nghiệp hỗ trợ yêu cầu cần đạt 15% năng lực đáp ứng linh kiện trong nước đối với ô tô con và 65% cho ô tô tải, trong khi đến nay, tỷ lệ này mới đạt dưới 10% ô tô con.

Với một hiện trang ngổn ngang đó, liệu một bản Nghị định mới đang gom tất cả các dạng ưu đãi, ở mức cao nhất, theo một tư duy hiện đại hơn, thị trường hơn có đủ để kéo- đẩy và ép ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự bứt lên được hay không?


Ai “vẽ” bức tranh công nghiệp hỗ trợ?

Theo Phạm Huyền

huongtt

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên