MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kazakhstan – Thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam?

Từ năm 2011 Việt Nam chính thức xuất siêu sang Kazakhstan. Hơn 80% thủy sản Việt xuất sang Kazakhstan là cá tra. GDP bình quân đầu người Kazakhstan dự kiến đạt 15.000 USD vào năm 2016.

Ngày 3/10/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật phê chuẩn Hiệp ước Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) sau khi Quốc hội Nga thông qua hiệp định này vào cuối tháng 9. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập với Belarus và Kazakhstan - hai đồng minh và đối tác thân cận nhất của Nga. Theo lộ trình, Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015.

Giới phân tích cho rằng, Liên minh kinh tế Á - Âu là một sự kiện lịch sử có khả năng làm thay đổi cấu trúc địa chính trị và địa kinh tế thế giới bởi Liên minh này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xác lập tầm ảnh hưởng Nga trên trường quốc tế.

Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014. Nếu FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan được thông qua, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ngoài SNG có FTA với khu vực này. Sau thị trường Nga, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tiềm năng và thách thức từ 2 thị trường còn lại là Kazakhstan và Belarus.

Kazakhstan – GDP bình quân đầu người năm 2016 dự báo đạt 15.000 USD/người/năm

Cộng hòa Kazakhstan nằm ở Trung Á , phía Tây Bắc của Trung Quốc, một phần phía đông của sông Ural ở Đông châu Âu. Diện tích hơn 2,7 triệu km², dân số gần 18 triệu người. Thủ đô Astana.

GDP năm 2012 tăng 5%. Năm 2012, GDP bình quân đầu người đạt 11.300 USD/người/năm. Dự kiến đến năm 2016, GDP bình quân đầu người sẽ đạt mức 15.000 USD/người/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: dầu và sản phẩm dầu, kim loại màu, hóa chất, máy móc, ngũ cốc, len, thịt, than đá. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc và thiết bị, sản phẩm kim loại, thực phẩm.

Trung Quốc, Nga, Italia là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Kazakhstan nhập khẩu nhiều nhất từ Nga và xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.

Hãng hàng không hàng đầu của Kazakhstan – Air Astana đã mở đường bay thẳng giữa Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Almaty - thành phố lớn nhất nhì của đất nước này. Trước đó, mùa thu năm 2012, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Kazakhstan.

Liệu Kazakhstan sẽ là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới?


Năm 2011, Kazakhstan là đối tác thương mại đứng thứ 88 của Việt Nam. Cũng giống như Nga, từ năm 2011 cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang xuất siêu đối với thị trường này. 

Từ năm 2007, ngoại trừ năm 2009 kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan giảm, các năm còn lại đều duy trì được mức tăng trưởng 10 ~ 83% so với năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ mức 5 triệu USD lên hơn 50 triệu USD vào cuối năm 2012.

Trong khi đó nhập khẩu hàng hóa từ Kazakhstan có xu hướng giảm từ mức 29 triệu USD xuống còn khoảng 15 triệu USD do đó, đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang xuất siêu đối với thị trường này.

Việt Nam xuất khẩu sang Kazakhstan điện thoại các loại & linh kiện và hàng thủy sản (xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Kazakhstan 8 tháng đầu năm 2014 đạt 1,34 triệu USD; cả năm 2013 đạt hơn 1,63 triệu USD – cá tra chiếm 1,36 triệu USD). Trong khi đó Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này lại là sắt thép các loại, kim loại thường, bông.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được Chính phủ hai nước đánh giá vẫn chưa xứng với tiềm năng và mong muốn.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan nếu được thông qua được coi là biện pháp hết sức quan trọng và cần thiết để tăng nhanh kim ngạch song phương, mở ra triển vọng to lớn cho quan hệ hợp tác kinh tế -thương mại, đầu tư, dịch vụ.

>>>Sức hút thị trường Nga từ FTA giữa Việt Nam – Liên minh hải quan

Thanh Giang

quynhnn

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên