Kể cả có VinGroup hay Hòa Phát, đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa là làn sóng
Hàng trăm tỷ đồng đã được các ông lớn rót vốn vào nông nghiệp song đây vẫn chỉ là hiện tượng mà chưa tạo nên làn sóng.
- 21-12-2015Đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam: “Hiện tượng” Nhật Bản!
- 03-12-2015Nhiều ưu đãi khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp
- 28-10-2015Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Đầu tư vào nông nghiệp chỉ mình các "đại gia" thôi sẽ không đủ
TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế cấp cao về nông nghiệp đã nói với chúng tôi rằng, mặc dù kinh tế có vẻ đã có tín hiệu ổn định và bắt đầu có tiềm năng vươn lên. Thế nhưng, vấn đề đáng lo ngại được đặt ra là tăng trưởng của nông nghiệp lại giảm và đây là hiện tượng “không bình thường”.
Bởi theo TS. Sơn, nông nghiệp là lợi thế của đất nước, sẽ càng có lợi thế trong bối cảnh hội nhập, song việc nông nghiệp giảm tăng trưởng liên tục là không bình thường.
Thời gian qua, đã có hàng loạt các đại gia ngoài ngành đua rót vốn vào nông nghiệp như VinGroup, Hòa Phát, Him Lam, Bắc Á… Tuy nhiên, những gì mà các doanh nghiệp đã làm vẫn chưa đủ để “đốt nóng” ngành nông nghiệp.
“Vừa qua ta phấn khởi khi hoạt động đầu tư vào nông nghiệp rất nhiều. Nhưng số lượng cuối năm tổng kết lại thì lại cho thấy tình hình đầu tư vào nông nghiệp không thay đổi. Hóa ra đó chỉ là hiện tượng thôi, chứ không hề có làn sóng nào đầu tư vào nông nghiệp, đúng như thời gian vừa qua đã nói” – TS. Sơn cho biết.
Do đó, vị chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp này cho rằng, để khôi phục ngành nông nghiệp thì trước hết phải mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
TS. Sơn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại cho nông nghiệp rằng, vừa qua Việt Nam đã có một ít vải bán sang Australia, có cá ngừ xuất sang Nhật Bản… Song nếu sau đó không có các hoạt động tiếp theo để đẩy mạnh chuỗi giá trị thì sẽ không mang lại hiệu quả cho thị trường.
Tiếp đến, cần phải cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo TS. Sơn đã đến lúc ngành nông nghiệp và các hiệp hội ngành hàng liên quan cần tổ chức một vài chuỗi giá trị “đến nơi đến chốn” để có thể xử lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, cần có những chính sách đột phá khoa học công nghệ, đổi mới khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hiện nay, trong quy định của Luật đã đưa ra quỹ khoa học công nghệ, trao quyền tự chủ cho các cơ quan khoa học công nghệ công lập. Thế nhưng, vấn đề còn vướng mắc chưa có văn bản hướng dẫn.
Do đó, việc sớm có văn bản hướng dẫn để hiện thực hóa việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo TS. Sơn, mở cửa thị trường, đi ra thị trường thì phải với chi phí sản xuất thấp nhất. Gắn liền với đó là mở cửa khoa học công nghệ, đưa tiến bộ vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài TS. Sơn cho rằng cần có các chính sách về đất đai. Có nghĩa là, làm sao chuyển sang thành luật lệ, chính sách, để thị trường đất đai hoạt động thì doanh nghiệp mới vào đầu tư vào, thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
“Chúng ta phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp bằng chính sách. Về dài hạn là đất đai, nhưng đồng bộ phải là giao thông để tạo cú hích cho sản xuất, vận chuyển và hình thành chuối giá trị” – TS. Sơn nói.
Theo vị này, hiện có nhiều công trình hạ tầng được khởi công trên cả nước. Song riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vùng quan trọng bậc nhất về sản xuất nông nghiệp, thì đầu tư lại rất hạn chế. Cơ sở hạ tầng yếu kém nên vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị cản trở, làm giảm sức cạnh tranh cho sản phẩm và không thể tạo ra đột phá cho nông nghiệp và đất nước.