MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ông lớn lận thuế

Các doanh nghiệp (DN) mà nhất là DN lớn, nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều ưu đãi miễn, giảm thuế lại không ít DN đang cố tìm cách lách thuế, trốn thuế, ở mức độ thấp hơn thì họ nợ thuế…

Nhưng dù ở mức độ lách thuế nào, hệ lụy là các đối tượng khác phải chịu. Trong số 1.000 DN nộp thuế lớn nhất của Việt Nam, chỉ có 19 DN ở Hải Phòng. Tuy nhiên, chính “Thành phố hoa phượng đỏ” tự xác định là một trong những trọng điểm chống thất thu và gian lận thuế.

Phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho biết, 7 tháng đầu năm nay, Cục đã thanh tra, kiểm tra 39 DN và phát hiện 5 DN có “dấu hiệu xấu”, qua xử lý đã điều chỉnh tăng thu hơn 7 tỷ đồng, giảm lỗ 127 tỷ đồng, thu về ngân sách 30 tỷ đồng.

Ở góc độ rộng hơn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2014 ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 20.708 DN và kiểm tra 732.578 hồ sơ khai thuế, phát hiện nhiều sai phạm và tăng thu 4.089 tỷ đồng.

“Làm tốt việc mình thì DN phản ứng. Chúng tôi luôn ngồi trên đống lửa. Đến giờ có bộ hồ sơ khiếu kiện lần 2 của DN vẫn đang ở trên bàn Tổng cục Thuế”, ông Đinh Quang Đại, Trưởng phòng Thanh tra 2 cho biết. Dĩ nhiên, khi động đến quyền lợi, khi sai phạm và những điều che dấu bị phát hiện thì sẽ có đối kháng. Nhưng khẳng định lách thuế là hiện tượng khá phố biến, nên ngành tài chính, Tổng cục Thuế đã rất vất vả với việc chống chuyển giá trong nhiều năm nay.

“Phải kiên quyết”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã “quán triệt” điều này trong toàn hệ thống ngành thuế và hải quan, nơi ông phụ trách. Những năm gần đây, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác chống thất thu, gian lận thuế và chống chuyển giá. Tuy nhiên đây là một cuộc đấu tranh vất vả gian nan. “Để các ông lớn trốn thuế thì nguy và chúng ta phải ngăn chặn”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ DN lớn (Tổng cục Thuế), nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính khẳng định quyết tâm của ngành này.

Sự “tận tâm” của ngành tài chính là có thể hiểu được, theo góc nhìn của họ là đảm bảo công bằng trong xã hội giữa các nhóm đối tượng nộp thuế. “Người nghèo là người nộp thuế nhiều hơn người giàu…”, ông Phụng khẳng định. Dường như có điều không chính xác trong quan điểm này? Không hẳn. Theo giải thích của ông, người nghèo dành gần hết thu nhập vào chi tiêu, khi đó họ đóng góp tỷ lệ lớn thu nhập vào các khoản thuế và phí. Như vậy, về tổng thể thì khoản nộp của người nghèo lớn hơn người giàu. Vì người giàu chỉ tiêu đi một phần thu nhập của họ.

Cũng cùng một góc nhìn, bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức ActionAid tại Việt Nam nói thêm, trẻ sơ sinh vừa lọt lòng là đã góp phần nộp thuế từ việc tiêm mũi tiêm chủng đầu đời. Như vậy, xét về sức mạnh của người nộp thuế thì có phần người nghèo, trẻ em có sức mạnh khá lớn và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng ngược lại, các DN mà nhất là DN lớn, nhà đầu tưnước ngoài đã được nhiều ưu đãi miễn, giảm thuế lại không ít DN đang cố tìm cách lách thuế, trốn thuế, ở mức độ thấp hơn thì họ nợ thuế…

Nhưng dù ở mức độ lách thuế nào, hệ lụy là các đối tượng khác phải chịu. “Thật bất bình đẳng vì tiền thuế thất thoát khá lớn. Thật xót xa khi năm nào cũng có tin trẻ thiệt mạng khi đi học vì thiếu cầu, thiếu thuyền phải lội suối vượt sông”, bà Thảo nói. Mặc dù có những cam kết của Nhà nước, nhưng mong muốn hưởng thụ các dịch vụ giáo dục và đảm bảo sức khỏe vẫn là điều “cao xa” đối với không ít trẻ em, phụ nữ và người dân tộc thiểu số, trường học và giường bệnh nhiều nơi vẫn thiếu…

Theo bà Thảo, đang có sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch khá lớn ngay từ trong chính sách thuế và việc thực hiện. “Nếu quản lý tốt, công bằng thì số tiền thuế mà những DN đã lẩn tránh, đã trốn nộp hoặc nợ thuế sẽ giúp cho hàng triệu trẻ em có trường, có lớp, hàng trăm xã, bản có cầu, có đường…”, bà nói. Và càng bất bình hơn nữa trước những thông tin về các tập đoàn lớn như Coca Cola, Metro và rất nhiều DN khác nữa đã và vẫn đang tìm cách chuyển giá, lách thuế.

Theo một báo cáo công bố ngày 11/9/2014 với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam có 1.127.345 trẻ em từ 5 - 14 tuổi không đi học. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2014 có tới 12.300 hộ, tương ứng với 52.000 nhân khẩu trong cả nước thiếu đói, tăng gần 30% so với tháng 7/2014. Có tới hàng nghìn người mắc dịch bệnh và số ngộ độc thực phẩm vẫn gia tăng bởi dịch vụ y tế còn thiếu…

“Chúng tôi, ActionAid sẽ hỗ trợ các Chính phủ bằng việc kêu gọi người dân cùng kêu gọi các công ty đóng thuế đầy đủ để xây trường học và bệnh viện qua chương trình Sức mạnh Thuế”, bà Phương Anh, cán bộ của ActionAid cho biết. Bởi chính việc hướng dẫn cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách thuế và việc thực thi. Họ sẽ là những người giám sát hiệu quả. Nếu chỉ Chính phủ và các ngành gánh vác công việc này sẽ không bao giờ đủ nhân lực để giám sát được hết.

>>>TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp FDI có biểu hiện gian lận thuế chuyển nhượng vốn

Theo Hoàng Linh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên