MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó cân bằng cán cân thương mại Việt – Trung

Tăng 15 lần trong hơn 20 năm, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang hướng đến con số 60 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, cán cân thương mại giữa 2 nước ngày càng thâm hụt về phía Việt Nam.

Nhập từ cái kim, sợi chỉ…

Từ cái kim, sợi chỉ đến những đồ gia dụng hàng ngày, các thiết bị, nguyên phụ liệu công nghiệp... không mặt hàng nào thiếu các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Lý giải vấn đề này, nhiều nhà kinh tế cho rằng, phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đều có mức giá cạnh tranh hơn so với hàng nội địa Việt Nam, vì thế việc lấn át của các sản phẩm Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.

GĐ một DN dệt may tại Hà Nội nhận xét, việc hàng may mặc Trung Quốc, đặc biệt là quần áo mùa đông, tràn ngập thị trường, là do hàng hóa của họ giá rẻ, mẫu mã đẹp, đánh trúng thị hiếu người tiêu dùng, dù rằng chất lượng có phần không tốt. “Chúng ta đang thua trên sân nhà, bởi giá thành đầu vào trong nước rất cao, khó cạnh tranh. Mặt khác, khâu tiếp thị bán hàng và chuỗi phân phối sản phẩm của thị trường nội địa vẫn còn quá kém”, vị này nói.

Dệt may và da giày là hai ngành được coi là XK chủ lực của nền kinh tế, song cả hai lĩnh vực đều phụ thuộc nguyên phụ liệu chính từ Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch NK nguyên phụ liệu da giày và dệt may từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch NK nhóm hàng này: 2,73 tỷ USD. Nhiều DN trong ngành đã bày tỏ e ngại khi dệt may và da giày quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Thậm chí, các hàng hóa khác, vật tư thiết yếu, công nghiệp nặng..., Việt Nam cũng phải NK không ít từ Trung Quốc. Chỉ riêng ngành điện, tính đến nay, Trung Quốc đã trúng thầu 13 dự án nhiệt điện tổng thầu EPC, chiếm tới 30% công suất toàn ngành điện. Cùng với những dự án này, hàng tỷ USD tiền thiết bị cũng được NK vào nội địa.

Chủ tịch HH Năng lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, cho rằng, một phần của nguyên nhân nằm ở chỗ, chính chúng ta đang không tin tưởng ở hàng hóa được sản xuất tại thị trường nội địa. Bằng chứng là một phần lớn các thiết bị của ngành điện như nồi hơi, tua-bin... đã được sản xuất trong nước, nhưng không được sử dụng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2013, có tới 43 nhóm hàng được NK từ Trung Quốc với giá trị hơn 26,7 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm:máy móc, điện thoại và linh kiện điện tử, vải, sắt thép hơn 185.000 tấn, tương đương kim ngạch gần 1,82 tỷ USD.

Cũng tính đến hết tháng 9, tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 36 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Các mặt hàng Việt Nam XK sang Trung Quốc chủ yếu gồm dầu thô, nông sản, thủy - hải sản, khoáng sản, lâm sản, hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử. Đối chiếu số liệu của kim ngạch thương mại và NK của Việt Nam cho thấy, chúng ta đã thâm hụt thương mại khoảng gần 20 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, con số này chắc chắn sẽ cao hơn nữa.

XK nông, lâm, thủy sản vẫn là đòn bẩy!

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Thủ tướng Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kim ngạch song phương đi đôi với cải thiện cán cân thương mại. Hai bên đã ký “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2016”.

Theo đó, đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, mục tiêu này rõ ràng không khó để đạt được, tuy nhiên nếu DN và các ngành không có sự chuyển hướng tích cực trong thực hiện hoạt động XK sang Trung Quốc, thì kim ngạch 60 tỷ USD này vẫn chủ yếu đến từ một chiều - Trung Quốc.

Ông Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: “Hàng hóa Trung Quốc sản xuất với quy mô lớn, nhiều mẫu mã, còn Việt Nam lại ngược lại nên hàng Trung Quốc mới có cơ hội tràn vào”.  

Theo phân tích của ông Sâm, góp phần gia tăng nhập siêu xuất phát từ việc Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp hỗ trợ theo đúng nghĩa. “Nếu không có những điều chỉnh về chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì chắc chắn sẽ không cải thiện được cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, ông Sâm nhấn mạnh.        

Trên một cách nhìn khác, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, các chủ đầu tư trong nước hoàn toàn có thể giảm nhập thiết bị điện từ Trung Quốc nếu như có những ràng buộc chặt chẽ hơn đối với các tổng thầu Trung Quốc, đặc biệt với những sản phẩm Việt Nam hiện đã sản xuất được ngay trong nội địa. “Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu họ những gì trong nước sản xuất được thì phải dùng trong nước. Nếu yêu cầu được thực hiện, kim ngạch NK thiết bị ngành điện sẽ giảm đến 60%”, ông Ngãi tính toán.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) Đào Ngọc Chương cho biết, Việt Nam từng có thời kỳ xuất siêu sang Trung Quốc, từ năm 1991 - 2000, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Song từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ nước này với giá trị tuyệt đối. 

Theo ông Chương, trong 9 tháng đầu năm, XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nông sản của cả nước. Các mặt hàng Việt Nam XK nhiều sang thị trường láng giềng này là sắn, cao su, gạo, hạt điều, các mặt hàng rau quả và thủy sản.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các hiệp hội ngành hàng nông sản triển khai các công việc đẩy mạnh XK nông sản, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ các loại nông sản tương đối gần với các sản phẩm nông sản XK của chúng ta.

Ông Chương khẳng định, Trung Quốc vốn là thị trường lớn nhất thế giới, doanh nhân các nước đều mong muốn thâm nhập vào thị trường này, Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc, có điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý gần kề, giá vận chuyển thấp, nhiều nét văn hóa tương đồng, thói quen tiêu thụ giống nhau, sản phẩm có tính bổ sung lẫn nhau… để triển khai hợp tác thương mại với Trung Quốc.

Hiện tại, cơ cấu hàng XK của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch hàng hóa XK sang Trung Quốc đang có xu hướng tăng dần (trên 30% trong khi trước đây chỉ 10%), vượt qua cả nhóm hàng truyền thống là nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, trong năm 2012 - 2013, các mặt hàng nông sản vẫn có ưu thế, đặc biệt là XK gạo tăng đột biến, gấp gần 3 lần, đạt gần 1 tỷ USD. Đây là một trong lĩnh vực được lãnh đạo cấp cao hai nước hết sức quan tâm nhằm duy trì đà tăng tưởng kim ngạch đi đôi với cải thiện cán cân thương mại.

“Để tiếp tục tăng cường XK hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, các DN và thương nhân cần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng hàng nông sản XK; nắm bắt thông tin chi tiết về đối tác và mặt hàng để có chiến lược kinh doanh, đàm phán để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho đúng với mùa vụ; các DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất để tạo thành chuỗi cung ứng hiệu quả”, ông Chương nói.

Theo Văn Nguyễn

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên