Khó hiểu các phương án “xóa“ trạm thu phí của Bộ Giao thông?
Bộ GTVT thậm chí có nguy cơ bị doanh nghiệp kiện vì vi phạm hợp đồng, đẩy doanh nghiệp tới bờ vực phá sản.
Rối như…canh hẹ
Thực hiện chủ trương giải tỏa các trạm thu phí để tránh “phí chồng phí”, Bộ GTVT đã có phương án sắp xếp lại các trạm thu phí trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2250/TTg-KTN đồng ý với phương án sắp xếp lại các trạm thu phí do Bộ GTVT trình lên.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ dừng thu, xóa bỏ các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước và trạm thu phí trả nợ vay. Các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Cả nước có 57 trạm thu phí, trong đó có 19 trạm thu phí của Nhà nước đầu tư thì cả 19 trạm thu phí đã dừng việc thu phí từ 01/01/2013.
Các trạm thu phí còn lại gồm các trạm đã được chuyển giao quyền cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư tư nhân và các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT, Bộ GTVT lại đưa ra những đề xuất xử lý rất khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Đơn cử, 4 trạm thu phí (gồm Trạm Phù Đổng, Trạm Hoàng Mai, Trạm Bàn Thạch - quốc lộ 1; Trạm cầu Bãi Cháy - quốc lộ 18) đều của Nhà nước nhưng đã được chuyển quyền cho các doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư tư nhân để thu về gần 1.500 tỷ đồng.
Khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 1/2/2013 về việc xử lý 4 trạm thu phí đã chuyển quyền cho các doanh nghiệp, Bộ GTVT đề nghị mua lại quyền thu phí tại trạm Bãi Cháy và Phù Đồng (Bộ GTVT mua quyền thu phí đối với thời gian thu phí còn lại và dừng thu từ 01/3/2013. Kinh phí mua lại được trích từ ngân sách nhà nước).
Đối với Trạm thu phí Hoàng Mai, Bộ GTVT lại đề nghị cho tiếp tục thu với lý do Bộ GTVT đang có chủ trương giao cho nhà đầu tư BOT là Liên doanh giữa Cienco 4 và TCty 319- Bộ Quốc phòng để thực hiện dự án mở rộng QL1A đoạn Km368 +400 đến Km402+320. Trạm Bàn Thạch, Bộ GTVT đề nghị chuyển thành trạm BOT Hầm đèo Cả vì Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Hầm Đèo Cả.
Đặc biệt, ngày 25/4/2013, Bộ GTVT có văn bản số 3478/BGTVT- ĐTCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm thu phí thuộc diện hoàn vốn các dự án BOT. Công ty Vietracimex 8 –đơn vị quản lý trạm thu phí này cho rằng đề xuất “xóa” trạm thu phí này của Bộ GTVT là trái với Điều b văn bản số 2250 ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ký ngày 14/8/2007 giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty Vietracimex 8.
Đại diện Công ty Vietracimex 8 cho biết: việc thực hiện quản lý và thu phí tại trạm thu phí Vĩnh Thanh và trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đều trên cơ sở thoả thuận theo hợp đồng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, đã được Chính phủ đồng ý và tất cả các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền thuộc Trung ương và địa phương chấp thuận.
Căn cứ theo Điều 13 và 14 của Hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ký ngày 14/8/2007, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không có quyền đơn phương áp đặt việc điều chỉnh nội dung hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Bộ GTVT đưa ra phương án gộp trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vào trạm thu phí trên quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các dự án đường trục tâm đô thị mới Mê Linh - đấu nối tại km19+500 QL2, dự án đường Nguyễn Tất Thành - đấu nối km14+120 QL2, dự án đường trục trung tâm Vinaline Vĩnh Phúc - đấu nối km21+587 QL2 và dự án đường xuyên Á nên không thể đảm bảo phương án tài chính thu hồi vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh TP.Vĩnh Yên.
Trước nguy cơ phá sản, gần 100 cán bộ trạm thu phí mất việc làm, Công ty Vietracimex 8 đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản số 2250/TTg-KTN nêu rõ: Bộ GTVT “Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”. |
Hệ lụy của chính sách thiếu nhất quán!
Việc Bộ GTVT dừng thu phí và xóa bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh và đơn phương đề nghị xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài là trái với chỉ đạo của Thủ tướng, vi phạm hợp đồng và cũng ‘bất nhất” với chính những phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng về vấn đề xử lý các trạm thu phí có nguồn vốn BOT.
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 17/3, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói: "Quỹ bảo trì đường bộ sẽ dùng để bảo trì các đường, thuộc đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Còn vốn đầu tư các trạm BOT, các trạm đầu tư bằng nguồn vốn khác thì các nhà đầu tư BOT và các nhà đầu tư khác thì phải bỏ tiền ra đầu tư cũng như là bảo trì sửa chữa. Chính vì vậy không có chuyện phí chồng phí...”.
Sau đó, báo giới lại thông tin : Sáng 20/3, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho biết Đoàn ĐBQH của tỉnh đã gửi văn bản nhắc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thực hiện lời hứa trong quý IV/2012 sẽ xóa bỏ trạm thu phí ở huyện Định Quán - Đồng Nai.
Theo đó, lời hứa này được Bộ trưởng Thăng nêu lên tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng vào tháng 10-2012 về việc rà soát lại các trạm thu phí trên Quốc lộ 20. Tuy nhiên, hơn 3 tháng sau đó, trạm thu phí vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mức phí còn tăng lên khiến người dân địa phương bức xúc nói rằng “Bộ trưởng Thăng đã thất hứa với cử tri”.
Sau khi nhận được lời nhắc của ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ GTVT giải thích: " Rất khó để xóa bỏ trạm thu phí Định Quán bởi đây là trạm thu phí hoàn vốn BOT. Do Bộ trưởng Thăng rất bức xúc và quyết tâm làm sớm nhưng khi thực hiện mới phát sinh phức tạp. Nếu đình chỉ, không thu phí trạm BOT sẽ trái với hợp đồng đã cam kết trước đây, ngân hàng không thu hồi được vốn, ảnh hưởng đến đầu tư chung".
Với những phát ngôn trên, rõ ràng Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng đã nhìn thấy những hệ quả “khó đỡ” của việc “xóa” các trạm thu phí hoàn vốn BOT vậy nhưng không hiểu sao ngay sau đó Bộ giao thông vẫn thực hiện việc dừng thu phí và xóa bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh và đơn phương đề nghị xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài???
Cần nhắc lại rằng, cũng chính bởi hướng xử lý các trạm thu phí có nhiều bất ổn mà mới đây nhân viên trạm thu phí cầu Bãi Cháy- TP Hạ Long đã bị chủ phương tiện hành hung dã man và an ninh ở khu vực Trạm thu phí cầu Bãi Cháy thời gian gần đây khá phức tạp cũng bởi lý do “đã nộp phí bảo trì đường bộ mà vẫn phải mua vé cầu đường”. Việc các lái xe không dừng mua vé, mà lao thẳng, húc gẫy barie là chuyện thường xảy ra tại trạm thu phí này.
Được biết, chiều nay, 6/5, Bộ GTVT đã có cuộc họp báo thường kỳ để giải đáp những vấn đề nóng mà dư luận đang quan tâm trong đó có sự việc nhân viên trạm soát vé cầu Bãi Cháy bị hành hung dã man và sự việc Công ty Vietracimex 8 đệ đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc Bộ giao thông thực hiện dừng thu phí và xóa bỏ trạm thu phí phụ Vĩnh Thanh,đơn phương đề nghị xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long- Nội Bài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để bạn đọc được rõ.
Công ty Vietracimex 8 được giao khai thác trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để thu hồi vốn đầu tư xây dựng đường tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi Vietracimex 8 khai thác được 1/8 thời gian, Bộ GTVT lại đề xuất phương án “xóa sổ” trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài khiến doanh nghiệp hoang mang lo lắng, đồng thời đối mặt nguy cơ phá sản. Để tránh khỏi nguy cơ phá sản, Công ty Vietracimex 8 khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan luật pháp của Việt Nam xem xét, bảo vệ nhà đầu tư được thực hiện quyền đầu tư của mình trước Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ở các quyết định trên, bảo vệ niềm tin của doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông, không để chính sách tiền hậu bất nhất, đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn hiện nay. |
Theo Quế Hà