Khó kiểm soát thu nhập quan chức
Thống kê cho thấy mỗi năm chỉ có 1-2 cán bộ, công chức khai báo và nộp lại các khoản quà được biếu, tặng theo quy định.
Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những biện pháp ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến lần đầu vào ngày 9-8 được nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan liên quan cho rằng chưa đủ sức nặng.
Không hiệu quả
Tổng kết của Thanh tra Chính phủ cho thấy các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của Luật PCTN còn mang tính hình thức; kê khai thu nhập bằng tiền hầu như không thực hiện được. Sau khi tiếp nhận bản kê khai, cơ quan quản lý cán bộ, công chức chỉ làm nhiệm vụ lưu hồ sơ mà chưa có cơ chế giải trình, kiểm tra, xác minh để bảo đảm việc kê khai tài sản minh bạch, trung thực. Đặc biệt, do không có chế tài xử lý đối với những trường hợp có hành vi gian dối nên chưa bảo đảm được tính chính xác đối với hồ sơ kê khai. Nhiều công cụ góp phần kiểm soát thu nhập như Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định thanh toán không dùng tiền mặt, quy định về nhận quà tặng và nộp lại quà tặng… đã được sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Thanh tra Chính phủ cho rằng thu nhập ngoài lương của người có chức vụ, quyền hạn tăng lên và được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, làm nảy sinh nguy cơ xuất hiện những nguồn thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp, có thể từ hành vi tham nhũng. Ranh giới giữa quà tặng và tài sản hối lộ không dễ phân biệt nên có sự nhầm lẫn về xử lý và kiểm soát. Nếu không có cơ chế kiểm soát thu nhập hiệu quả, công chức sẽ dễ dàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái, tham ô, nhận hối lộ vì hành vi của họ không dễ bị phát hiện.
Kiểm soát nguồn thu nhập không chính đáng
Các khoản thu nhập bị kiểm soát thuộc 3 nhóm cơ bản: thu nhập từ ngân sách nhà nước (tiền lương, phụ cấp và các khoản thù lao theo hợp đồng hoặc không theo hợp đồng); thu nhập chịu thuế và không chịu thuế thu nhập cá nhân từ các giao dịch kinh tế, dân sự khác của người có chức vụ, quyền hạn (chuyển nhượng bất động sản, từ đầu tư vốn, kinh doanh, kiều hối...); thu nhập từ quà tặng, quà biếu, tiền thưởng, hoa hồng…
Nhiều ý kiến cho rằng các nội dung được đưa ra còn chung chung, phạm vi quá rộng nên khó áp dụng. Theo ông Tạ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp - Ban Nội chính Trung ương, thống kê mới đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy đã có 1 triệu cán bộ thực hiện kê khai tài sản. Tuy nhiên, với thực trạng công nghệ thông tin như hiện nay thì việc kiểm tra tính xác thực của những bản kê khai này gặp rất nhiều khó khăn. "Chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm", chọn một số đối tượng nhất định để giám sát chặt về tài sản rồi mới làm rộng ra" - ông Giang nói. Ông Giang cho rằng thủ tục xác minh tài sản của cán bộ hiện nay còn nhiều hạn chế, xử lý đối với tài sản tăng thêm không giải trình được chưa rõ, còn vướng mắc. Trong khi đó, hình thức biếu xén cán bộ có chức quyền thông qua quà tặng, quà biếu ngày càng phổ biến và giám sát, kiểm tra rất khó khăn. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc mỗi năm chỉ có 1-2 cán bộ khai báo về việc được tặng quà và nộp lại cho tổ chức. "Điều chúng ta muốn hướng tới là việc kiểm soát những nguồn thu nhập không chính đáng, bởi đó là cội nguồn của tham nhũng. Điều này buộc phải nghĩ tới việc công khai bản kê khai tài sản để những cán bộ xung quanh và người dân có thể phát hiện được những tài sản ngầm" - ông Giang cho biết.
Không nên tách kiểm soát thu nhập và tài sản Dẫn chứng được nhiều đại biểu đưa ra tại
hội thảo là việc bà giám đốc một trung tâm thuộc Sở Thông tin và Truyền
thông TP Hà Nội kê khai tài sản tăng thêm trong năm 2012 có trị giá lên
tới hàng chục tỉ đồng. Ban đầu, bà này cho biết tài sản đó do chồng mình
- phó giám đốc một sở của TP Hà Nội - "làm thêm" nhưng sau đó cơ quan
chủ quản bà này lại xác nhận rằng kê khai như vậy là "do hiểu nhầm quy
định".
Dù việc này rất khó chấp nhận nhưng cuối
cùng việc giám sát, kiểm tra cũng không được thực hiện rốt ráo. Do việc
kê khai tài sản hiện nay còn rất hình thức nên mới có việc cán bộ ở địa
phương chỉ kê khai một chiếc xe máy nhưng tài sản thực tế thì liệt kê
trên 10 tờ giấy A4 có khi cũng chưa hết. Vì thế, việc gắn kiểm soát thu
nhập với tài sản vào chung trong một đề án sẽ dễ thực hiện hơn là tách
làm hai như hiện nay.
Lãnh đạo Cục PCTN - Thanh tra Chính phủ
cho rằng việc đưa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước vào
ban chỉ đạo đề án kiểm soát thu nhập như trong dự thảo sẽ khiến người
dân "không an tâm". Thành viên ban chỉ đạo nên do Bộ Chính trị quyết
định, có sự tham gia của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quốc hội… sẽ
tốt hơn. |