Sáng 19/5, lễ khởi xây dựng nhà máy chiết ép, chế biến dầu sinh học Bio diezel bằng hạt jatropha có công suất 30.000 tấn/năm đã diễn ra tại khu công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đây cũng là nhà máy đầu tiên ở vùng Tây Nguyên chiết ép, chế biến nhiên liệu sinh học bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ do Công ty sinh học Minh Hoàng làm chủ đầu tư.
Giai đoạn đầu, nhà máy sẽ xây dựng trong thời gian 8 tháng, có công suất 8.000 tấn dầu sinh học/năm với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Sau 3 năm, công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà máy để nâng công suất đạt 30.000 tấn/năm với tổng nguồn vốn 500 tỷ đồng.
Hiện, công ty đã hình thành vùng nguyên liệu tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông với diện tích gần 1.300 ha trồng cây jatropha, dự kiến trong 2015 sẽ mở rộng diện tích lên 10.000 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho 4 dây chuyền sản xuất của nhà máy với tổng công suất 30.000 tấn/năm.
Cây jatropha còn có tên gọi là bã đậu hoặc dầu lai, mọc tự nhiên trên các vùng đất hoang hóa, đất khô cằn ở vùng Tây Nguyên, có tuổi thọ trên 40 năm, sẽ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc cũng như đóng góp giá trị tại những vùng dân cư nghèo.
Công ty đã chọn lọc giống đưa vào trồng trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt năng suất bình quân từ 8-12 tấn quả tươi/ha trong năm đầu, sau đó năng suất sẽ tăng dần lên 60-80 tấn/ha tuỳ theo từng vùng đất.
Hiện, công ty đã liên kết hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cho bà con 19 triệu đồng/ha và giá theo thị trường được công ty mua lại 2.000 đồng/kg hạt.
Như vậy, người trồng cây jatropha sẽ có mức thu nhập ổn định từ 25-30 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng Tây Nguyên./.Theo Văn Thông