MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khơi thông" tiến độ nhiều dự án hàng hải lớn

“Năm 2013, Cục Hàng hải VN đã hoàn thành nhiều công việc có tính đột phá để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của ngành như: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu…”. Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết khi trả lời chúng tôi.

Theo ông, năm qua, công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải đã được triển khai như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế còn hết sức khó khăn?

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, không thể không nhắc tới 2 dự án đặc biệt quan trọng là dự án Đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (khởi công tháng 4/2013) và dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu (đang triển khai các thủ tục để sẵn sàng tái khởi động dự án sau một thời gian thực hiện đình hoãn do khó khăn chung về ngân sách).
Trong năm 2013, ngành Hàng hải Việt Nam tiếp tục đối mặt với thách thức: Giá cước vận tải và dịch vụ vẫn duy trì ở mức thấp; số lượt tàu vào và rời cảng biển đạt hơn 85.000 lượt, bằng 87% so với năm 2012. Tuy nhiên, tổng trọng tải (GT) tăng (586 triệu/556 triệu GT), lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên cả nước đạt 326 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2012. Lượng hàng container qua cảng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2012.

Liên quan đến công tác nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, Cục Hàng hải VN đã triển khai thực hiện 100% công trình nạo vét duy tu tuyến luồng thuộc nhiệm vụ năm 2013 được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm.

Riêng với công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải dưới hình thức xã hội hóa có tận thu sản phẩm nạo vét, đến nay, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã chấp thuận 9 dự án trong đó có luồng Lệ Môn, Sông Gianh, Phan Thiết, Định An - Cần Thơ, Thuận An…


Về việc tăng cường quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, cuối tháng 12/2013, Cục đã hoàn tất việc lựa chọn bên thuê quản lý khai thác 2 dự án là Cảng An Thới và Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Riêng với Cảng tổng hợp Thị Vải, Cục đang tổ chức đấu thầu lựa chọn bên thuê khai thác.
Doanh nghiệp hàng hải đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ Cục Hàng hải VN?

Chúng tôi đã xây dựng đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều chính sách như: Hỗ trợ cơ chế chuyển đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài sang mang cờ quốc tịch Việt Nam; Ban hành quy định mức trọng tải hàng hóa đóng trong container đối với vận tải nội địa đồng nhất với các phương thức vận tải khác.

Cùng đó, chúng tôi đã triển khai tốt chủ trương của Bộ GTVT về tăng thị phần vận tải nội địa của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, giúp tăng sản lượng vận tải nội địa. Hiệu quả từ hoạt động kinh doanh này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Một số tàu container trong năm 2012 phải neo đậu dài ngày vì khan hiếm nguồn hàng vận tải, đến nay đã được đưa trở lại khai thác nội địa.
Bốc hàng tại Cảng Hải Phòng
Bốc hàng tại Cảng Hải Phòng
Cục đã triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế như thế nào để phục vụ tốt cho các chương trình kế hoạch chiến lược phát triển ngành, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định hoạt động hợp tác quốc tế đã hỗ trợ tích cực cho công tác triển khai các dự án có yếu tố nước ngoài như Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện); Tổ chức kêu gọi đầu tư quốc tế cho dự án Cảng Vân Phong, nghiên cứu nạo vét duy tu một số luồng hàng hải theo hình thức PPP, đề án phát triển trung tâm phân phối logistics tại ba miền.

Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều cán bộ của Cục được tham gia các chương trình đào tạo tại nước ngoài như: Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Việc mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế còn hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi “danh sách đen” Tokyo MOU vào năm 2014 thông qua việc tổ chức các đoàn công tác trao đổi xây dựng quan hệ hợp tác tốt trong công tác kiểm tra Nhà nước cảng biển với các quốc gia và nền kinh tế như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Hồng Kông… Tình hình lưu giữ tàu Việt Nam tại các quốc gia và nền kinh tế này hiện đã có những cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ thấp như hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 24 quốc gia, tạo điều kiện cho ngành hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường hàng hải khu vực và quốc tế.

Cảm ơn ông!

Theo Thanh Bình

cucpth

Báo giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên