Không những ông lớn ngoại, doanh nghiệp nội cũng “để mắt” tới BigC
Có vị trí và thị phần lớn trong thị trường bán lẻ Việt Nam nên hệ thống BigC Việt Nam không chỉ được những Tập đoàn nước ngoài nhóm ngó mà cả những đại gia bán lẻ trong nước cũng “để mắt” tới.
- 17-02-2016Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam: Hướng mốc 10 tỷ USD vào năm 2020
- 15-02-2016Hai tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan "quyết đấu" mua lại Big C Việt Nam
- 14-02-2016Doanh nghiệp bán lẻ trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập
- 11-02-2016Hàng Việt trước xu hướng thôn tính của các đại gia bán lẻ ngoại
- 11-02-2016Thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam: Tại sao luôn là người Thái?
Thông tin trên được một vị lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ trong nước, hiện đang nắm giữ hệ thống siêu thị lớn và có thị phần lớn nhất đưa ra nhận định khi trao đổi với chúng tôi về câu chuyện “số phận” của hệ thống BigC Việt Nam.
Ngoại nhảy vào, nội cũng không yên
Ngay sau khi hệ thống siêu thị Metro của Đức được bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker Pcl của Thái Lan, thì hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đang sở hữu mạng lưới bán lẻ lớn nhất là BigC, cũng lên tiếng rao bán. Đến nay, số phận của hãng bán lẻ đình đám này vẫn chưa được Tập đoàn mẹ Casino quyết định, song nhiều đồn đoán cho rằng, BigC nhiều khả năng lại tiếp tục rơi vào tay của Tập đoàn TCC Group– vốn là công ty mẹ của BJC.
Điều này càng có cơ sở khi gần đây, Tập đoàn Casino đã lên tiếng xác nhận bán lại hệ thống BigC Thái Lan cho TCC. Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, hiện nay không chỉ TCC mà hãng bán lẻ lớn của Thái Lan là Tập đoàn Central Group cũng đang “quyết đấu” để giành mua lại BigC Việt Nam với TCC. Cả hai ông lớn bán lẻ của Thái Lan đều đã có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A với hàng loạt các thương hiệu bán lẻ đình đám trong nước.
Việc BigC Việt Nam có rơi vào tay người Thái hay không còn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, một điều nhìn thấy rõ là tham vọng của người Thái trong các thương vụ M&A ngành bán lẻ này, khi họ có tầm nhìn xa hơn là tận dụng cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) theo đánh giá của vị lãnh đạo trên.
Tuy nhiên, là người thạo tin trong ngành, vị lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ trên cũng lên tiếng xác nhận rằng BigC Việt Nam đang được một loạt các ông lớn bán lẻ trong và ngoài nước nhóm ngó. Điều đáng chú ý là, không chỉ những đại gia nước ngoài lắm tiền nhiều của muốn thâu tóm BigC, mà cả những doanh nghiệp bán lẻ trong nước có tên tuổi cũng đang “nhóm ngó” hãng bán lẻ danh giá này.
“BigC là hệ thống tốt, có thị phần, doanh thu và có hiệu quả thì sẽ có sự quan tâm của những nhà bán lẻ có mặt tại Việt Nam, bao gồm nhà bán lẻ trong nước và nhà bán lẻ nước ngoài. Những người đó hiểu BigC, hiểu thị phần nhiều nhất và sẽ có quyết tâm nhiều nhất. Còn cũng có những nhà bán lẻ mới bắt đầu vào Việt Nam, thì đây là cơ hội tốt nhất để họ có ngay một hệ thống bán lẻ tốt nhất có chỗ đứng đáng kể trên thị trường” – vị lãnh đạo trên nói.
Tấp nập thoái lui: Bán lẻ Việt Nam vẫn hấp dẫn
Một vấn đề đặt ra, không chỉ Metro, Nguyễn Kim và giờ đây là BigC phải “bán mình” và rời bỏ cuộc chơi trên thị trường bán lẻ, có phải là điều đáng suy ngẫm? Liệu thị trường bán lẻ Việt Nam có trở nên kém hấp dẫn hơn so với trước đây?
Theo phân tích của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, ngay cả khi nhiều ông lớn rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam, thì đây vẫn là thị trường đầy hấp dẫn. Dẫn chứng là, bán lẻ Việt Nam vẫn tấp nập “kẻ bán, người mua” trong suốt thời gian qua, khi nhiều ông lớn rút đi, nhưng vẫn có nhiều tập đoàn lớn nhảy vào càng khiến cho thị trường thêm sôi động. Mức tiêu dùng của người Việt cũng đang được xem là "mỏ vàng" với các nhà bán lẻ.
Lý giải về việc tại sao Metro hay BigC là những tập đoàn đang sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam rút khỏi thị trường, vị này cho rằng đây hoàn toàn là điều bình thường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bởi với mỗi tập đoàn đa quốc gia, chiến lược kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào một thị trường, một ngành nghề nên khi các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu tái cơ cấu lại, việc giữ thị trường nào và rút khỏi thị trường nào là chuyện bình thường.
“Các Tập đoàn nhìn toàn cục, nên có thể họ thấy rằng với những thị trường mặc dù kinh doanh có lãi, nhưng thay vì họ rút đồng vốn đó ra, tập trung thị trường khác thì hiệu quả tốt hơn. Họ không nhìn đơn lẻ thị trường Việt Nam, và phân bổ thị trường để cuối cùng cái lãi tổng thể ở mức cao nhất. Có nghĩa, tôi rút lui không phải tôi chê thị trường này mà tôi có nhu cầu thoái vốn để dồn lực cho thị trước khác có khả năng sinh lời tốt hơn” – vị này phân tích.