Không phải đường cao tốc, đây mới là lý do làm ngành đường sắt ngày càng yếu đi
Hiện có khoảng 11 triệu lượt hành khách sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển mỗi năm.
Trong 20 năm qua khi số lượng hành khách hàng không tăng gấp 12 lần thì hành khách đi đường sắt chỉ tăng 28%. Thậm chí trong 10 năm gần đây, số hành khách đi tàu còn giảm dần từ 12,8 triệu về 11,2 triệu lượt.
Việc xuất hiện các hãng hàng không mới như Jetstar Pacific hay Vietjet Air đã nâng cao năng lực vận chuyển của ngành hàng không. Nhưng các lợi thế cạnh tranh về dịch vụ đang giúp hàng không trở thành lựa chọn thay thế của đường sắt.
Ngoài lợi thế tuyệt đối là thời gian di chuyển, giá vé máy bay ngày càng cạnh tranh hơn với giá tàu. Trên chặng Hà Nội – TP.HCM, giá vé máy bay giá rẻ hạng phổ thông bình quân chỉ khoảng hơn 1 triệu, trong khi giá vé tàu ngồi dao động từ 500 đến 900 ngàn đồng, vé tàu nằm là trên 1 triệu.
Sự chậm trễ đổi mới về dịch vụ cung cấp cũng khiến đường sắt bị điểm trừ trong lựa chọn của hành khách và doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Hàng chục năm qua, các hãng tàu chỉ đơn thuần đóng vai trò vận chuyển từ điểm A đến điểm B, mà gần như không phát triển các dịch vụ gia tăng nào. Khách hàng vẫn phải tự tìm đến “nhà ga” khi cần đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra suất đầu tư lớn cũng đang cản trở hoạt động mở rộng và nâng cao chất lượng vận chuyển của ngành đường sắt. Kết quả là lợi nhuận hoạt động của các công ty trong ngành rất thấp.
Năm 2015, Tổng công ty đường sắt chỉ lãi 65 tỷ đồng (chưa hợp nhất) và phấn đấu lên 69 tỷ đồng trong năm 2016. Trong khi các hãng hàng không đều báo lãi nghìn tỷ, ngoại trừ Jetstar Pacific.
Không chỉ bị cạnh tranh bởi ngành hàng không, trên một số chặng như Hà Nội – Lào Cai, vận tải đường bộ đang trở thành đối thủ lớn của đường sắt sau khi tuyến cao tốc Hà Nội – Lao Cai được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015.
Số lượt khách được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt trong 20 năm qua. (Đơn vị: Triệu lượt người)