Không phát hiện sai phạm, kiểm toán có vô can?
Trên 10 đoàn thanh tra và 10 đoàn kiểm toán vào Vinalines và Vinashin không phát hiện ra vấn đề...
- 23-05-2015Kiểm toán đề nghị xử lý nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
- 09-04-2015Chênh lệch Báo cáo tài chính doanh nghiệp trước và sau kiểm toán
- 21-03-2015Bộ trưởng Thăng “xin” kiểm toán ngành giao thông năm nay
Nếu người ta làm sai nhưng anh bảo đúng, đến lúc người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm, dứt khoát như thế mới quy rõ trách nhiệm được, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Kiểm toán (sửa đổi) tại Quốc hội, sáng 26/5.
Đã qua rất nhiều vòng thảo luận, song theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền thì dự thảo luật lần này tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn của kiểm toán rất lớn, còn trách nhiệm chưa rõ, chưa tương xứng.
Theo đại biểu Thuyền, nếu quy định như dự thảo luật thì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, anh không chịu trách nhiệm gì.
Giả thiết nữa được đại biểu Thuyền nêu là kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán mà sau một thời gian doanh nghiệp này bể tan nát thì hậu quả pháp lý, tiền bạc, tài sản nhà nước, của dân mất đi thì trách nhiệm của kiểm toán như thế nào?
Hay, một doanh nghiệp mới kiểm toán và chấp hành ý kiến của kiểm toán, sau đó thanh tra vào xuất toán, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết, chứ kiểm toán chẳng chịu trách nhiệm gì.
Cụ thể hơn, vị đại biểu đến từ Lâm Đồng này lấy ngay ví dụ công ty xổ số ở tỉnh năm nào cũng kiểm toán nhưng cuối cùng công an vào phát hiện làm sai, tham nhũng.
Cố ý làm trái thì chắc chắn kiểm toán phải biết rất rõ điều này. Quyền lực rất mạnh, kiểm toán đến đâu người ta rất sợ, rất lo thì nếu người ta làm sai nhưng anh bảo đúng, đến lúc người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm, dứt khoát như thế, đại biểu Thuyền đề nghị.
Bày tỏ sự nhất trí với đại biểu Thuyền, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhắc lại chuyện trên 10 đoàn thanh tra và 10 đoàn kiểm toán vào Vinalines và Vinashin không phát hiện ra vấn đề. Sau đó cơ quan điều tra mới phát hiện ra.
Trong trường hợp cơ quan kiểm toán đã kiểm toán rồi, không phát hiện sau đó cơ quan điều tra vào phát hiện ra tội phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước như thế nào cần phải làm rõ, đây là vấn đề dự thảo luật còn thiếu, ông Quyền phát biểu.
Ông Quyền cũng băn khoăn khi dự thảo luật quy định một trong những nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước là: "Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán”.
Cho rằng quy định này còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm, đại biểu Quyền đề nghị trường hợp Kiểm toán Nhà nước trong quá trình tiến hành kiểm toán biết được hoặc pháp luật bắt buộc phải biết là có dấu hiệu tội phạm thì buộc phải chuyển cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
“Thẩm quyền này rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ nó sẽ trở thành con ngáo ộp, người ta chỉ rung lên một cái thôi là các đơn vị chịu sự kiểm toán lại phải chạy đến sẽ sinh ra tiêu cực”, ông Quyền lo ngại.