MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu trung tâm TP.HCM có 3 nhà ga metro

Theo ông Lê Khắc Huỳnh - phó thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9) dài 19,7km.

Trong đó, tuyến metro trên cao (đi trên mặt đất) từ nhà ga Ba Son đến Suối Tiên dài 17,1km bố trí 11 nhà ga trên cao. Riêng đoạn metro đi ngầm dài 2,6km được bố trí ba nhà ga ngầm là nhà ga trung tâm Bến Thành (từ công viên 23-9 đến chợ Bến Thành), nhà ga Nhà hát TP và nhà ga Ba Son (khu Nhà máy Ba Son hiện hữu). Khoảng cách giữa hai nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát TP dài khoảng 800m. Đây là khoảng cách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hành khách từ nhà hoặc từ trụ sở cơ quan, doanh nghiệp đến nhà ga đi metro.

Trong đó, nhà ga Bến Thành là nhà ga trung tâm TP, được thiết kế kết nối các tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương, Q.12), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên, H.Bình Chánh) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân, Q.12 - Nguyễn Văn Linh và dự kiến kéo dài đến khu đô thị cảng Hiệp Phước, H.Nhà Bè). Dự kiến sẽ thi công nhà ga này trong năm 2015.

Theo ông Huỳnh, sở dĩ bố trí tuyến metro đi ngầm 2,6km với ba nhà ga ngầm trong lòng đất là do đoạn đường này nằm trong khu vực trung tâm TP, việc đi ngầm không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, môi trường, dù chi phí xây dựng nhà ga ngầm khá cao so với xây dựng trên mặt đất.

Các nhà ga ngầm còn kết nối với các trung tâm thương mại, dịch vụ và các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, taxi. Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết nhà ga Bến Thành kết nối với chợ Bến Thành và các trung tâm thương mại lân cận. Còn nhà ga Nhà hát TP sẽ kết nối Trung tâm thương mại Vincom, Nhà hát TP và các khu thương mại, dịch vụ trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi.

Nhiều người dân quan tâm đến việc phòng chống ngập nước, hỏa hoạn trong đường hầm và nhà ga được thực hiện ra sao? Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết trong nhà ga ngầm sẽ bố trí một trung tâm kiểm soát thảm họa, có nhân viên trực ban để thu thập, trao đổi thông tin, truyền các thông báo và ra lệnh cho những người có mặt tại ga xử lý những yêu cầu cần thiết.

Trung tâm này còn kiểm soát các thiết bị phòng hỏa và hướng dẫn thoát hiểm. Các biện pháp phòng chống hỏa hoạn được áp dụng tại đây gồm: lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động trong nhà ga và trung tâm kiểm soát thảm họa, lắp đặt thiết bị hút khói.

Về chống ngập nước ở nhà ga ngầm: do nước mưa trên vỉa hè không thoát kịp tràn vào cửa ga, trong tình huống này thì hệ thống cửa ngăn được bố trí sẵn ở cửa ga sẽ được dựng lên, đảm bảo nước không thể tràn vào. Các cửa ngăn nước này được cấu tạo từ các tấm rời có thể lắp ghép dễ dàng.

Đồng thời, trong đường hầm tuyến metro và nhà ga ngầm đều lắp đặt các thiết bị công nghệ hiện đại xử lý nước ngầm hoặc nước tràn vào nhà ga nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi metro trong nhà ga ngầm.

>>>

Theo Ngọc Ẩn - Quang Khải

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên