MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị Chính phủ cứu ngành tôm, cá tra

So với năm 2011, nhiều thị trường truyền thống đã giảm như EU giảm gần 20%, trong khi thị trường Mỹ lại tăng hơn 17% và Trung Quốc, Hongkong tăng 34,9%.

Bộ NNPTNT vừa có văn bản báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về tình hình sản xuất và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tôm và cá tra, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2 ngành hàng này.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến cuối tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,525 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ. So với năm 2011, nhiều thị trường truyền thống đã giảm như EU giảm gần 20%, trong khi thị trường Mỹ lại tăng hơn 17% và Trung Quốc, Hongkong tăng 34,9%.

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay còn khoảng 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, giảm 30% so với năm 2011 (năm 2011 là 231 doanh nghiệp); song cũng chỉ có khoảng 20% (tương đương trên 30 doanh nghiệp) duy trì được xuất khẩu ổn định, số doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất và xuất khẩu cầm chừng.

Bộ NNPTNT cũng cho biết, hiện ngành cá tra còn nhiều tồn tại vẫn chưa giải quyết được làm cho tình trạng giá xuất khẩu liên tục thấp hơn giá thành trong thời gian dài. Nguyên nhân là do chưa tổ chức tốt xuất khẩu nên doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh lẫn nhau và bị nhà nhập khẩu ép giá. Từ đó dẫn tới lượng cá tồn kho nhiều, trong khi sức ép về vốn ngân hàng lớn khiến nhiều doanh nghiệp bán tháo sản phẩm, dẫn tới một cuộc đua về hạ giá xuất khẩu cá tra.

Không khả quan hơn so với cá tra, mặt hàng tôm cũng gặp nhiều khó khăn tồn tại trong năm 2012 khi phải đối mặt với dịch bệnh và những hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Theo Bộ NNPTNT, đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,952 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2011 và dự báo xuất khẩu tôm cả năm đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ.

Do dịch bệnh xảy ra thường xuyên và liên tục trong năm đã khiến 100.776ha tôm bị thiệt hại, trong đó tôm sú là 91.174ha và tôm chân trắng là 7.068ha. Ngoài ra, ngành tôm còn phải đối mặt với rào cản thương mại của Nhật Bản với quy định quá khắt khe về tồn dư Ethoxyquyn 0,01ppm.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất tôm và cá tra, Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong phân loại nợ đối với các khoản vay cho nuôi, thu mua và chế biến cá tra và tôm nước lợ; có giải pháp đối với khoản vay của người nuôi và doanh nghiệp sản xuất tôm, cá tra, vay từ ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước cũng được hưởng chính sách ưu đãi; nghiên cứu lại cách tính tài sản thế chấp của doanh nghiệp và hộ nuôi...

Trước đó, tại một cuộc họp bàn về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, xây dựng các giải pháp căn cơ tháo gỡ, đẩy mạnh xuất khẩu tôm, cá tra đang gặp nhiều khó khăn trong năm 2012. Trước mắt, Bộ NNPTNT rà soát, tổ chức quy hoạch, điều tiết lại diện tích, quy mô, sản lượng nuôi cá, tôm phù hợp với đánh giá nhu cầu thị trường. Đồng thời, tổ chức tốt xuất khẩu, khắc phục tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau và bị nhà nhập khẩu ép giá.

Theo Thanh Xuân

Dân Việt

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên