MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế 6 tháng cuối năm 2014: Ứng phó với biến số “Biển Đông”?

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế Quốc dân, với giả định nền kinh tế diễn biến theo xu thế hiện nay (có tính đến tác động của biến số Biển Đông), GDP năm nay ước đạt 5,3% và CPI 6,3%.

Chặng đường cuối năm 2014, kinh tế Việt Nam cần làm gì để tiếp tục ứng phó, vượt qua bão “Biển Đông” và thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2014? 

Chúng tôi đã trao đổi với GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về tình hình kinh tế 6 tháng năm 2014 và các giải pháp ứng phó với biến số “Biển Đông” từ phương diện điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ.

Phóng viên: Xin ông đánh giá tổng quan về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm?

GS Trần Thọ Đạt: Nếu đánh giá một cách tổng quát, có thể nói rằng kết quả mà nền kinh tế trong nửa chặng đường đầu của năm 2014 đạt được theo các số liệu thống kê vừa công bố là “mừng nhiều hơn lo”.

Về cơ bản, các điểm sáng mà nền kinh tế có được trong năm qua vẫn tiếp tục sáng, các chỉ số kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, đầu tư, thu chi ngân sách… cho thấy mục tiêu “kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” vẫn đang được thực hiện.

Tuy nhiên, đằng sau những kết quả như vậy thì vẫn còn đó ngổn ngang nhiều nỗi lo về sự trì trệ, “trầm cảm” của nền kinh tế và xuất hiện những thách thức mới đến từ “biến số biển Đông”, với hệ quả về kinh tế chưa thực sự rơi vào quý 2 do có độ trễ nhất định.

Ông có thể nhận định cụ thể hơn về một số biến số vĩ mô cụ thể, chẳng hạn tăng trưởng GDP 6 tháng qua?

Với tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, nền kinh tế vẫn đang trên đã phục hồi tăng trưởng, mặc dù còn thấp hơn xu hướng và trong một chừng mực vẫn còn “mong manh”. Nếu xét tăng trưởng theo quý thì có thể thấy nền kinh tế đã thoát đáy vào đầu quý 3 năm 2013 và từ đó đến nay đã quay trở lại quỹ đạo phục hồi với tốc độ chậm. Trong năm 2014, GDP quý I tăng 5,09%, quý II tăng 5,25%. Đó là tỷ lệ tăng cao trong 3 năm trở lại đây nhưng vẫn còn thấp hơn so với năm 2010 và 2011.

Nhìn vào tăng trưởng của các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đều có nhịp cao hơn cùng kỳ năm trước cho thấy các khu vực đều có đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Một tín hiệu thể hiện khá rõ sự phục hồi của nền kinh tế từ phương diện sản xuất là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất đã tăng trưởng liên tục từ nửa cuối năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, với nhịp tăng trưởng đã đạt được trong nửa chặng đường của năm mới là 5,18%, mục tiêu tăng trưởng 5,8% vào cuối năm sẽ là một thử thách lớn.

Về chỉ số lạm phát nửa đầu năm nay chỉ ở mức 1,38% so với tháng 12 năm 2013, thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng đây là tín hiệu “mừng ít, lo nhiều”. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nửa đầu năm nay, mức lạm phát là 1,38% và chỉ bằng 19,7 % dư địa mục tiêu lạm phát 7% của cả năm, trong khi đó CPI tháng 6/2014 tăng 4,98% so với tháng 6/2013. Xét riêng về chỉ số lạm phát, đây là tín hiệu mừng hơi ”bất ngờ”. Tuy nhiên, đằng sau đó lại tiềm ẩn một số dấu hiệu đáng lo ngại.

Thứ nhất, việc sụt giảm mạnh của lạm phát trong thời gian vừa qua trong bối cảnh chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng chứng tỏ tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang suy giảm và phản ứng yếu với các biện pháp mở rộng.

Thứ hai, “kỳ vọng” lạm phát tăng vào cuối năm không hề nhỏ. Điều đó là do một số nguyên nhân từ phía lạm phát “chi phí đẩy”, chẳng hạn giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ được điều chính tăng thêm từ nay đến cuối năm, tác động của mối quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ rơi nhiều hơn vào cuối quý 2 do giá hàng nông sản đã có mức giảm giá khá mạnh trong thời gian qua khi không tìm được đường xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời giá các mặt hàng chủ yếu là máy móc, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc có nguy cơ tăng là khá lớn trong thời gian tới khi quan hệ thương mại với Trung Quốc không ổn định và chúng ta phải tìm kiếm từ các thị trường khác.

Các yếu tố liên quan đến tác động “cầu kéo” đối với lạm phát từ nay đến cuối năm cũng đáng phải lưu tâm. Khi nền kinh tế đang khá “trơ” với các biện pháp mở rộng tổng cầu, trong khi dư địa của chính sách tài khoá và tiền tệ vẫn còn khá dồi dào thì các cơ quan hoạch định chính sách sẽ đứng trước sức ép phải tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng hơn hơn nữa để “đạt được chỉ tiêu” lạm phát 7% vào cuối năm.

Nhìn vào diễn biến tốc độ tăng CPI trong 3 tháng gần đây cũng đã thấy tốc độ tăng lạm phát đã mạnh lên. Do vậy, tôi cho rằng CPI sẽ kết thúc giai đoạn tăng chậm như trong 6 tháng qua và nhiều khả năng sẽ bước vào chu kỳ tăng từ nay đến hết năm. Xin lưu ý là lạm phát là một trong những biến số vĩ mô có mức biến động mạnh nhất trong thời gian qua ở nước ta, mạnh hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô cần được đánh giá thông qua việc tạo lập sự ổn định của các chỉ số như lạm phát, tỷ giá…vì có như vậy mới tạo được lòng tin trong các quyết định đầu tư và tiêu dùng, nền kinh tế khi đó mới tăng trưởng bền vững được.


GS Trần Thọ Đạt cho rằng sự căng thẳng đột ngột trong quan hệ với Trung Quốc sau vụ giàn khoan trên Biển Đông đã tạo ra một thách thức mới, tạo thêm một biến số mới trong bài toán kinh tế

 Số liệu thống kê cho thấy đã xuất hiện về sụt giảm FDI trong 6 tháng qua. Ông nhận định thế nào về vai trò của khu vực FDI hiện nay?

Tuy FDI thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 5,75 tỷ USD tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính từ đầu năm đến nay đạt gần 7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khu vực FDI trong thời gian qua có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, sự hoạt động ”nhộn nhịp” của khối ngoại đã phần nào bù đắp được sự ”trầm lắng” của khối nội.

Tuy nhiên, nếu một nền kinh tế có 2 khu vực tăng trưởng với 2 tốc độ khác nhau thì khó có thể tăng trưởng bền vững được. Trong thời gian qua, chúng ta quan tâm nhiều đến mặt số lượng thông qua consố vốn đăng ký, vốn thực hiện mà ít quan tâm đến chất lượng, công nghệ và tri thức kinh doanh có được do FDI lan tỏa trong nền kinh tế. Để thay đổi tình trạng này, FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hết sức rõ ràng trong lộ trình công nghiệp hoá, khuyến khích sự gắn kết với doanh nghiệp trong nước qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là hình thức liênkết dọc.

Cho đến nay có những nhận định khác nhau về tác động kinh tế của biến số “Biển Đông”. Quan điểm của ông về các nhận định này như thế nào?

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang cố dấu hiệu thoát đáy rõ ràng và bắt đầu quá trình hồi phục, sự căng thẳng đột ngột trong quan hệ với Trung Quốc sau vụ giàn khoan trên Biển Đông đã tạo ra một thách thức mới, tạo thêm một biến số mới trong bài toán kinh tế.

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua đã khá sâu, kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2013 tương đương khoảng 30% GDP toàn nền kinh tế. Việc xuất hiện biến số này sẽ làm phức tạp thêm quá trình điều hành nền kinh tế không chỉ trong thời gian 6 tháng cuối năm mà sẽ là vấn đề đặt ra mang tính trung và dài hạn.

Hiện tại đã có những đánh giá tác động ban đầu về kinh tế từ căng thẳng Biển Đông, tuy nhiên cần có các nghiên cứu mang tính hệ thống hơn. Các chỉ số kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm dường như chưa chịu nhiều tác động, tuy nhiên từ nay đến cuối năm hay trong một vài năm tới, nếucăng thẳng Biển Đông vẫn tiếp diễn và thành rủi ro thường trực thì rõ ràng sẽ tác động nhiều đến các cân đối quốc gia do nền kinh tế phải tiêu tốn nguồn lực trong việc đối phó với các rủi ro, lạm phát có nguy cơ gia tăng trở lại do nguồn đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn.

Tuy nhiên, những thách thức cũng mở ra cơ hội cho ngành sản xuất trong nước giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc, thúc đẩy sự đa dạng các chuỗi sản xuất, củng cố quyết tâm và tận dụng cơ hội tham gia các hiệp định thương mại tự do với các khu vực và nước khác.

Hiện tại đã có những kịch bản liên quan đến tác động của “biến số” này trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm, từ xấu nhất (GDP giảm 10% nếu giao thương giữa 2 nước bị ngưng trệ) đến lạc quan nhất (không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng). Theo tính toán của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì với giả định nền kinh tế diễn biến theo xu thế hiện nay (có tính đến tác động của biến số Biển Đông) thì nhiều khả năng tăng trưởng năm 2014 của Việt Nam trung bình ước đạt 5,3% và tỷ lệ lạm phát ước đạt 6,3%.

Cho đến nay, Chính phủ vẫn thể hiện quyết tâm không điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Để thực hiện được mục tiêu này cần có các giải pháp chính sách nào?

Xuất phát từ tình hình thực tế và dựa trên các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, Chính phủ xác định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong thời gian tới với những biến động bất thường trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ cần phải được sử dụng một cách chủ động và linh hoạt hơn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% và lạm phát 7% theo mục tiêu của Chính phủ, trên cơ sở ước lượng hàm cầu tiền và số nhân chi tiêu của nền kinh tế, kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng cung ứng tiền tệ cần tăng khoảng từ 18,1% đến 19,3% so với năm 2013 và tăng chi tiêu Chính phủ phải vượt dự toán từ 11,2% đến 12,1%.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!


Tùng Lâm (thực hiện)

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên