MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc: Hàng Trung Quốc sẽ đổ bộ mạnh hơn vào Việt Nam?

Từ những năm 1995 trở lại đây, mức nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã ngày càng tăng lên, mức thấp cũng đã chiếm 64% tổng nhập siêu, năm nhiều thì lên tới 97%.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng việc hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị đình đốn, xuất khẩu giảm liên tiếp trong nhiều tháng qua sẽ khiến cho nước này tìm cách đẩy hàng hóa sang các nước lân cận nhiều hơn.

Trong đó Việt Nam sẽ là nước bị tác động nhiều nhất và nhiều khả năng sẽ hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ bộ mạnh vào thị trường cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Thực trạng này được xem là nguy cơ lớn cho hàng hóa Việt Nam ngay trên chính sân nhà.

Sự giảm tốc hiện nay của kinh tế Trung Quốc đang trở thành mối lo ngại với nhiều nước trong đó có Việt Nam, khi nước ta có quan hệ thương mại khá lớn với nước này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Dẫn chứng cho thấy là khi thị trường chứng khoán Trung Quốc có sự thay đổi thì cũng kéo theo các biến đổi trên thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Là nước có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, biến động kinh tế Trung Quốc tất nhiên sẽ ảnh hưởng nước ta. Hơn nữa kinh tế của ta gần Trung Quốc, có biên giới và trên nhiều lĩnh vực gắn bó chặt chẽ, thậm chí phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, như nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu sản xuất một số hàng xuất khẩu.

Dẫn chứng mới đây nhất là khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, đã ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ thế giới trong đó có Việt Nam. Để ứng phó với những tác động này thì Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái quyết định kịp thời trong điều chỉnh tỷ giá nên hạn chế được phần nào ảnh hưởng tiêu cực từ đồng tiền NDT bị giảm giá ảnh hưởng tiêu cực Việt Nam.

Chính sách của NHNN cũng có ý nghĩa rất lớn khi hạn chế ảnh hưởng của đồng NDT giảm giá đến hàng hóa Việt Nam. Bởi khi đồng NDT giảm giá thì hàng hóa của Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn do giá rẻ hơn, đặc biệt là hàng giá rẻ vốn từ trước đến nay đã xâm nhập vào thị trường sẽ càng tràn vào Việt Nam. Đúng thời điểm thị trường Việt Nam đang cần hàng hóa cho tiêu dùng Tết và điều này có ảnh hưởng rất nên cần phải theo dõi cẩn trọng những ảnh hưởng này.

Trong năm qua thì xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn nhưng nhập khẩu hàng từ Trung Quốc lại vẫn tăng lên rất lớn. Liệu đây có phải là báo hiệu cho thấy hàng Trung Quốc sẽ đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều?

Tình trạng này xảy ra trong nhiều năm nay rồi, song năm qua thì thấy rõ hơn. Ta xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn, lượng ít nên chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Ngược lại thì hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt nam dễ dàng hơn, nhiều hơn và tỷ trọng chiếm phần rất lớn. Tỷ lệ hàng nhập siêu từ Trung Quốc cũng chiếm hầu hết trong tỷ lệ nhập siêu của nền kinh tế nước ta.

Vì vậy mà thời gian qua, khi hàng Trung Quốc tồn kho nhiều, kinh tế nước này tăng trưởng chững lại, đồng NDT giảm giá, các quốc gia nhập khẩu hàng Trung Quốc như ở châu Âu tẩy chay hàng Trung Quốc… thì việc nước này tìm cách đưa hàng sang thị trường lân cận sẽ ngày càng nhiều hơn. Việc đẩy hàng hóa sang các nước lân cận, đặc biệt là sang các nước ASEAN cũng có cơ sở pháp lý, đó là Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

Đối với Việt Nam thì ngoài việc nhập khẩu đường chính ngạch, thì rất nhiều hàng lậu, trốn thuế cũng được đưa qua đường tiểu ngạch thông qua biên giới giữa hai nước. Do đó, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thì hàng hóa sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Tôi cho rằng thực trạng này rất đáng lo ngại. Vì ngay từ những năm 1995 trở lại đây, mức nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã ngày càng tăng lên, mức thấp cũng đã chiếm 64% tổng nhập siêu, năm nhiều thì lên tới 97%.

Thậm chí có năm ta xuất siêu thì vẫn nhập siêu rất nhiều từ Trung Quốc. Đặc biệt là năm 2015 khi cán cân thương mại quay lại nhập siêu thì con số nhập siêu từ Trung Quốc lại càng lớn hơn với 32,5 tỷ USD. Đó là con số chính thức nhưng bên cạnh con số này còn có con số chênh lệch giữ hải quan Trung Quốc và Việt Nam, lên tới gần 20 tỷ USD nữa.

Đây là tình trạng quá nghiêm trọng, cần phải có chính sách vĩ mô và nhận định mang tầm chiến lược. Không thể để mãi tình trạng này, vì nếu vẫn tình trạng này thì khi ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và vùng lãnh thổ, song ta vẫn sử dụng yếu tố đầu vào của Trung Quốc, không có xuất xứ Việt Nam hay các nước ký FTA thì sẽ không được hưởng ưu đãi gì?

Vậy giải quyết bài toán nhập siêu với Trung Quốc và cần phải có chính sách gì để ứng phó với cơn bão hàng Trung Quốc trong thời gian tới, thưa ông?

Vấn đề quan trọng là ta có thực sự muốn ngăn chặn việc đó hay không? Đã có nhiều giải pháp đưa ra để ngăn chặn hàng Trung Quốc tràn vào quá mức, song vẫn chưa có nhiều hiệu quả. Tôi cho rằng gốc rễ quan trọng hàng đầu là phải từ sản xuất, khi chúng ta có đầu tư công nghệ vào, có chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề, cơ sở sản xuất, các ngành quan trọng như công nghiệp phụ trợ, thì hàng Trung Quốc sẽ không còn chỗ đứng.

Ngoài ra, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật, đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại để làm rào cản ngăn chặn hàng Trung Quốc vào thị trường. Công tác chống buôn lậu, hàng giả đặc biệt tại cửa khẩu càng cần được đẩy mạnh hơn nữa để ngăn chặn ngay từ đầu nguồn.

Nếu chúng ta cam chịu sử dụng hàng rẻ Trung Quốc, hoặc ta vẫn tiếp tay buôn bán hàng Trung Quốc, các cơ quan địa phương vẫn tiếp tục phê duyệt cho nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, thương nhân tiếp tay cho hàng buôn lậu, trốn thuế thì đó là vấn đề mà ta cần phải suy nghĩ lại.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên