Kinh tế vĩ mô 16/9: Nhờ FDI, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong 8 tháng
Đầu tư 35 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Việt Nam, Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép 'vênh' nhau, nhờ FDI Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong 8 tháng.. là những thông tin kinh tế vĩ mô nổi bật ngày 16/9
Vì sao năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á?
Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm.
Cũng theo báo cáo của ILO, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và không có đủ kỷ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore đến 15 lần và tốc độ tăng năng suất lao động Việt đang giảm dần.
Nói đến năng suất lao động không phải chỉ nói đến lực lượng công nhân, lao động tham gia sản xuất trực tiếp tại các nhà máy, công ty… mà còn bao gồm cả lĩnh vực hành chính, xây dựng chính sách của quốc gia.
Đầu tư 35 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Việt Nam
Tổ chức đầu tư của Standard Chartered (Standard Chartered Private Equity - SCPE) vừa công bố đã mua lại thành công một lượng lớn cổ phần thiểu số trong Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate Trade & Services Joint Stock Company – Cổng Vàng), chủ của chuỗi nhà hàng món ăn châu Á lớn nhất tại Việt Nam.
Cổng Vàng hiện đang sở hữu và vận hành 11 thương hiệu nhà hàng độc quyền với hơn 60 nhà hàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. SCPE sẽ tham gia vào hoạch định chiến lược kinh doanh của Cổng Vàng và hỗ trợ công ty mở rộng thêm chuỗi nhà hàng của mình.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam của SCPE và cũng là giao dịch gần đây nhất, bổ sung vào danh mục đầu tư sâu rộng của SCPE ở Đông Nam Á. SCPE cam kết đầu tư vào các doanh nghiệp thành công trong nhiều lĩnh vực và hiện đang tích cực tìm kiếm các cơ hội ở trong khu vực. SCPE chọn đầu tư vào các công ty có đội ngũ quản lý tốt nhất bằng việc góp vốn trực tiếp vào công ty hoặc thông qua tài trợ vốn thứ cấp.
Doanh nghiệp Việt “rót” 19 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài
Theo tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2014, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 68 dự án, đầu tư sang 21 quốc gia với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 894 triệu USD.
Các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Campuchia (chiếm 25% tổng số dự án), Myanmar (chiếm 14%); Lào (chiếm 10%); Hoa Kỳ (chiếm 13,2%). Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực buôn bán thương mại chiếm tới 30,8% tổng số dự án và dịch vụ khác chiếm 20,5%.
Tanzania là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù chỉ có 1 dự án vào Tanzania nhưng đã chiếm 39% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ra nước ngoài.
Xếp thứ hai là thị trường Campuchia (chiếm 31,8% tổng vốn đăng ký phía Việt Nam ) và kế đến là Burundi (chỉ có 1 dự án chiếm 19%).
Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (58,8%) và nông lâm nghiệp (32%).
Nhờ FDI, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong 8 tháng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là 13,27 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 8 là 12,2 tỷ USD; giảm 5,9% so với tháng 7.
Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 97,23 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.Trong khi đó, nhập khẩu 8 tháng là 94,16 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Qua đó, đã nâng mức thặng dư cán cân thương mại hàng hóa trong 8 tháng đầu năm lên tới 3,07 tỷ USD, riêng tháng 8 xuất siêu 1,07 tỷ USD.
Xét riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực này đạt gần 59,64 tỷ USD.
Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép 'vênh' nhau
Bộ Công Thương vừa có văn bản khẳng định doanh nghiệp (DN) thép nội lo lắng thiếu cơ sở trong khi Hiệp hội Thép VN (VSA) vẫn cho rằng DN sẽ “chết yểu” nếu cắt giảm đồng loạt thuế nhập khẩu thép từ Nga.
Truyền thông ngày 9/9 đã đưa tin về lo lắng của các DN sản xuất thép trong nước trước nguy cơ phá sản, khi Nga, Belarus, Kazakhstan đề nghị Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu sắt thép từ khu vực này.
Nếu được chấp thuận, việc cắt giảm thuế sẽ thực hiện ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) có hiệu lực (dự kiến sẽ ký vào cuối năm nay).
Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định VCUFTA được trông đợi sẽ tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu mạnh hàng Việt Nam sang thị trường các nước Nga và SNG.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định này, phía Liên minh Hải quan ưu tiên xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp (như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị). Với Việt Nam, quan tâm đến xuất khẩu dệt may, thủy sản, da giày và một số loại nông sản khác.
Theo Bộ Công Thương, trong số 167 mặt hàng sắt thép phía Liên minh Hải quan yêu cầu cắt giảm thuế quan ngay, chỉ có một số loại thuộc danh mục VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.
Anh Tân