MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế vĩ mô 24/9: Học phí đẩy CPI tăng vọt, FDI 9 tháng đạt hơn 11 tỉ USD

Tình hình thực hiện và triển khai các dự án đầu tư trên cả nước có những biến chuyển tích cực, chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN tháng 9 đi xuống...cũng là những tin nổi bật trong ngày.

CPI cả nước tháng 9 tăng 0,4%

Theo Tổng cục thống kê, tháng 9/2014, CPI cả nước tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,62% so với tháng 9/2013. Như vậy, không tính 2 tháng đầu năm tăng cường chi tiêu phục vụ cho dịp Tết nguyên đán, thì tháng 9 ghi nhận mức tăng CPI kỷ lục của cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Đóng góp vào mức tăng này là sự gia tăng đột biến của nhóm giáo dục (tăng 6,38%) so với tháng trước do hầu hết các loại hình giáo dục trên cả nước đều tăng học phí theo Nghị định số 49. Ngoài giáo dục, các nhóm hàng hóa khác có tốc độ tăng nhẹ và ổn định, chỉ có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng 8 là nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng.

FDI vào Việt Nam đạt hơn 11 tỉ USD sau 9 tháng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/9/2014 cả nước có 1.152 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,63 tỷ USD và 418 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 3,54 tỷ USD. Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,17 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ 2013.

Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng ...Về đối tác đầu tư, đã có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,55 tỷ USD, chiếm 31,8%; sau đó là Hồng Kong, Nhật Bản và Singapore ... Các dự án tập trung chủ yếu vào các tỉnh, TP như Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ...

TP HCM truy thu thuế và xử phạt gần 2.900 tỉ đồng

Trong 8 tháng đầu năm 2014, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra hơn 10.100 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 2.892 tỉ đồng. Số tiền đưa nộp ngân sách Nhà nước 1.447 tỉ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 196 tỉ đồng và giảm lỗ 5.218 tỉ đồng.

Đồng thời, Cục cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề khai thác thu từ chuyển nhượng vốn góp, thương hiệu, bản quyền, các doanh nghiệp có số thu lớn, doanh nghiệp có thuế giá trị gia tăng khai âm liên tục hoặc khai lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có nhiều quyết định hoàn thuế, ưu đãi về thuế …

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng VN tháng 9 giảm nhẹ

Theo công bố của Ngân hàng ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam (ANZ-Roy Morgan) tháng 9/2014 đã giảm nhẹ xuống còn 135 điểm (giảm 0.5 điểm). Tuy nhiên, chỉ số niềm tin người tiêu dùng vẫn đạt trên mức trung bình của năm 2014 (tính từ đầu năm) là 132 điểm.

Lý do chính khiến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm nhẹ trong tháng này là do người tiêu dùng đánh giá “đây là thời điểm xấu” để mua các vật dụng chính trong gia đình. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, mặc dù chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm, nhưng tình hình tài chính cá nhân Việt Nam vẫn "lạc quan".

Lọc hóa dầu tỷ đô ồ ạt vào Việt Nam

Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, chỉ có 3 nhà máy lọc hóa dầu được đưa vào quy hoạch, gồm: Dung Quất (Quảng Ngãi); Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuy nhiên, cho đến nay, quy hoạch đã bổ sung thêm nhiều cái tên mới như nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên); nhà máy Nam Vân Phong (Khánh Hòa), dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) và một số dự án khác đang rục rịch xin đầu tư.

Đa phần các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam vì tình hình chính trị và an ninh ổn định; vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đi các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính sách khuyến khích đầu tư tốt, có nhiều cảng nước sâu cho tàu lớn ra vào... Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về khả năng ô nhiễm môi trường và công nghệ lạc hậu.

100 tỷ đồng nâng cấp khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chuyển chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè trên các tuyến đường ở khu vực cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, dự án sẽ nâng cấp, cải tạo gần 1.800m vỉa hè thuộc ba tuyến đường: Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện. Bó vỉa, vỉa hè của các tuyến đường này sẽ lát đá granit thiên nhiên thay vì bằng gạch, bêtông như hiện nay.

Ngoài ra, sẽ lắp đặt mới thùng rác công cộng trên vỉa hè, thay mới khuôn, nắp hầm ga, miệng thu nước và lưới chắn rác cho phù hợp với mặt đường, vỉa hè mới... Dự kiến kinh phí thực hiện dự án khoảng 100 tỉ đồng.

Hà Nội cần 10.000 tỉ đồng/năm sau năm 2020 để xây 1.000 siêu thị

Theo Phó GĐ Sở công thương Hà Nội, từ nay đến năm 2020, sẽ có khoảng 999 siêu thị và 64 trung tâm thương mại trên địa bàn thủ đô với mức đầu tư là 6000 tỷ đồng mỗi năm. Sau năm 2020, mức đầu tư sẽ là 10.000 tỷ đồng/ năm. Phần lớn số tiền này sẽ kêu gọi từ các nhà đầu tư, thay vì chi toàn bộ từ ngân sách nhà nước.

Đây được coi là chủ trương bỏ ra “một cục” nhưng lại thu “từng đồng” nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các siêu thị và TTTM sẽ không xây dựng hoàn toàn trên các quỹ đất mới, mà sẽ tận dụng khu vực chân các tòa nhà, khu đô thị để xây dựng.

Phú Quốc thành huyện “giàu nhất” Kiên Giang sau 10 năm thực hiện QĐ 178

Sau 10 năm thực hiện Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đô thị loại II. 

Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, sau gần 10 năm thực hiện quyết định 178, tăng trưởng GDP của Phú Quốc duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 – 2013 đạt hơn 22%/năm, Năm 2012 GDP tăng 4,91 lần so với năm 2004, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 70,3 triệu đồng/năm, gấp 8,1 lần so với năm 2004, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng ... Đến nay, Phú Quốc là huyện đóng góp lớn nhất vào NSNN tỉnh Kiên Giang.

Nguyệt Quế (Tổng hợp)

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên