MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam 2014: Để xoay chuyển, cần đột phá

Đồ thị tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam, giống như nhiều năm trước, vẫn diễn ra theo xu hướng “quý sau cao hơn quý trước”.

Điều dễ nhận thấy trong đồ thị tăng trưởng GDP là mấy năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm đều rất thấp – thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Như vậy việc cải thiện tốc độ tăng trưởng theo quý đã không ảnh hưởng gì đến “đại cục hàng năm” của GDP: tốc độ tăng trưởng theo năm vẫn “tụt xuống” hoặc “đi ngang” ở đáy trong nhiều năm liền. 

Nghĩa là ngược lại với cảm giác tăng trưởng được cải thiện rõ rệt do cách tính theo quý mang lại, hoá ra khi tính theo năm, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị “tắc nghẽn tăng trưởng”

Phối hợp cách đo tăng trưởng GDP cả theo quý lẫn theo năm, có thể nhận định: sự vươn lên trong suốt mỗi năm của nền kinh tế trong thời gian qua chỉ là kết quả được coi là tích cực của những nỗ lực ngắn hạn, không đủ để xoay chuyển tình hình. 

Số doanh nghiệp đóng cửa năm 2013 vẫn nhiều không kém các năm trước, còn số doanh nghiệp kinh doanh lỗ vốn chiếm tới 2/3 số doanh nghiệp đang hoạt động; ngân sách nhà nước gặp khó khăn, nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt (hơn 21 tỉ USD năm 2013). Và điểm mấu chốt: quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra chậm, chưa có bước tiến căn bản và chưa có dấu hiệu làm xoay chuyển tình hình.

2. Tuy nhiên, tình hình kinh tế năm 2013 có một điểm khác biệt căn bản: sau nhiều năm, quy luật “hai năm lên, một năm xuống” của lạm phát đã bị “chặn” lại. Không nghi ngờ gì, chỉ số CPI khá thấp, thấp hơn nhiều so với những năm 2012 và 2013 là kết quả tích cực của những nỗ lực to lớn nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ. Kéo theo mức lạm phát thấp là xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng.

Nhưng trong cái tốt lên đó, theo đúng quy luật trả giá của kinh tế học, có vài điều đáng lo ngại: mức tăng trưởng tín dụng thấp, phản ánh khả năng duy trì và phục hồi “sức khoẻ” của các doanh nghiệp nội địa yếu; và chênh lệch giữa mức mất giá tiền tệ do lạm phát cao kéo dài gây ra với sức mua đối ngoại của đồng tiền Việt Nam (tỷ giá hối đoái) vốn đã lớn tiếp tục gia tăng. 

Chính sách duy trì tỷ giá cơ bản ổn định (theo cách diễn đạt của ngân hàng Nhà nước là có “linh hoạt” chứ không “bất động”, nhưng thực tế chỉ linh hoạt trong một biên độ rất hẹp so với mức lạm phát) vẫn được thực thi và chưa có dấu hiệu thay đổi (đồ thị 2).

Tỷ giá “vô cảm” với CPI,

Có thể coi đây là hai điểm tắc nghẽn khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay. Chúng gây tác động tổ hợp: chế độ tỷ giá đánh giá cao đồng nội tệ có tác động khuyến khích nhập khẩu, ít hỗ trợ sản xuất trong nước và không thúc đẩy xuất khẩu. 

Với hai điểm “tắc nghẽn” nêu trên, dù cân đo theo chiều nào, năng lực trả nợ công – thể hiện ở năng lực tăng thu ngân sách (trả nợ trong nước) và năng lực tăng trưởng xuất khẩu, trong quan hệ với tăng trưởng nhập khẩu (trả nợ nước ngoài) đều có nguy cơ suy giảm nhanh. Mức độ an toàn nợ công, vì thế, sẽ giảm mạnh.

3. Một vấn đề lớn khác của năm 2013 và cả vài năm trước để lại là đến nay, nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, dù được xác định là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên, vẫn chưa được triển khai đúng tầm và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách về thời gian. Tại sao vấn đề quan trọng sống còn như vậy, được thảo luận khoa học rất nhiều, được dành quyết tâm cao ít thấy mà mãi không triển khai được?

Xin mạo muội chỉ ra vài nguyên nhân được coi là chính:

Một là chưa định vị được trục chính, xuyên suốt của công cuộc tái cơ cấu. Khi xác định tái cơ cấu là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực theo hướng ngày càng “thị trường lành mạnh” thì điểm mấu chốt phải là xác lập cơ chế bảo đảm cho hệ thống giá vận hành theo đúng nguyên lý thị trường. Không có hệ thống giá cả này, mọi nỗ lực tái cơ cấu đều khó mang lại hiệu quả cần có. 

Thành tích tăng trưởng từng năm nhưng đo theo quý này vừa phản ánh được một xu hướng có thực, vừa gây ấn tượng về sự chuyển biến tích cực của tình hình, mang lại cảm giác về sự tốt lên rõ rệt, tạo niềm tin về khả năng “thoát đáy” và phục hồi nhanh chóng mặc dù trên thực tế, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn kéo dài.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong mấy năm qua, vận hành của các yếu tố chủ yếu quyết định hệ thống giá của nền kinh tế – giá năng lượng (than, điện, xăng dầu), giá đất đai – nguồn lực đầu vào cơ bản của mọi hoạt động kinh tế, thị trường tài sản lớn nhất của nền kinh tế, giá vốn (lãi suất và tỷ giá hối đoái) và tiền lương trong khu vực nhà nước (giá lao động – cũng là một loại đầu vào cơ bản) – vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi nguyên tắc can thiệp hành chính trực tiếp. Với hệ thống giá đó, cơ cấu kinh tế không thể không méo mó nghiêm trọng.

Hai là phạm vi tái cơ cấu, dù đã được khuôn lại trong ba tuyến trục, vẫn quá lớn, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh năng lực tái cơ cấu, bao gồm năng lực tài chính, rất yếu. Với phạm vi đó, cách thức tiến hành tái cơ cấu mang nặng dáng dấp “đồng khởi”, “phong trào”; do vậy càng khó triển khai trên thực tế. Đó là chưa kể đến tình huống trong chương trình chi tiêu ngân sách quốc gia, cho đến nay, vẫn chưa thấy có nguồn lực tài chính nào được dành cho công cuộc tái cơ cấu theo đúng nghĩa chiến lược.

Ba là tái cơ cấu chắc chắn đụng chạm mạnh đến các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, sự va đụng này cũng chưa được nghiên cứu sâu để có các chính sách ứng xử, đối phó thích hợp.

Như lập luận của nhiều công trình phân tích, chưa có tái cơ cấu trên thực tế thì không thể xoay chuyển tình hình, rằng cho dù tốc độ tăng trưởng có được cải thiện bằng việc ưu tiên đổ vào đó các nguồn lực thì về bản chất, sự cải thiện đó, do vẫn diễn ra theo mô hình tăng trưởng cũ, trong khuôn khổ các trục trặc cơ cấu chưa được khắc phục, sẽ đòi hỏi nhiều chi phí hơn và còn làm tích đọng thêm các mất cân đối cơ cấu lớn cho nền kinh tế.

4. Các nhóm luận cứ nói trên chưa phản ánh hết những đường nét chính của tình hình kinh tế vĩ mô năm 2013, tuy nhiên, có thể gợi ra một vài khía cạnh quan trọng để nhận diện tình hình kinh tế năm 2014 và sau đó.

Thứ nhất, các nỗ lực ngắn hạn, dù lớn đến đâu, may lắm cũng chỉ mang lại những cải thiện ngắn hạn và cục bộ. Chúng không thể làm xoay chuyển tình hình, không thể giúp xác lập cơ cấu và mô hình tăng trưởng mới. Việc kéo dài các hành động nhằm các mục tiêu cải thiện tình hình ngắn hạn thậm chí còn làm cho tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn, giá phải trả để khắc phục các vấn đề cơ cấu sẽ ngày càng đắt.

 Do vậy, phải bỏ cách làm cũ của mấy năm nay, tiếp cận xử lý vấn đề theo tinh thần đột phá: kiên quyết dành ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu ở tầm chiến lược, nhanh chóng thay đổi hệ thống phân bổ và sử dụng nguồn lực quốc gia, thay vì nỗ lực ưu tiên cải thiện tốc độ tăng trưởng và ổn định vĩ mô chủ yếu vẫn trên nền tảng mô hình tăng trưởng cũ.

Thứ hai, phải định vị lại trục trung tâm và xuyên suốt của quá trình tái cơ cấu – hướng tới mục tiêu xác lập nhanh cơ chế vận hành toàn bộ hệ thống giá theo nguyên tắc thị trường, trong đó, nhiệm vụ ưu tiên đã “thị trường hoá” giá cả bốn nhóm nguồn lực – đầu vào cơ bản nêu trên. Chỉ trên cơ sở xác lập yếu tố trung tâm quyết định hệ thống phân bổ nguồn lực như vậy, việc tái cơ cấu “ba tuyến trọng tâm ưu tiên” (đầu tư công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hệ thống các ngân hàng thương mại) mới có thể diễn ra để thu được kết quả mong đợi. Trên nền tảng hệ thống giá này, mới có thể xác định được nội dung tái cơ cấu cụ thể cho mỗi tuyến, cũng như cách “ứng xử” phù hợp với từng nhóm lợi ích.

Thứ ba, nhất thiết phải ưu tiên dành cho công cuộc tái cơ cấu nguồn lực thích đáng trong kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc gia. Đây là một thách thức lớn cho cả nền kinh tế trong bối cảnh cả ngân sách nhà nước lẫn khu vực doanh nghiệp đều gặp khó khăn lớn về thực lực tài chính. Nhưng một bản đề án tái cơ cấu tốt, khi mang lại niềm tin cho xã hội và cộng đồng quốc tế về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam, cũng sẽ mang lại cơ hội tiếp cận nguồn lực đó – dù đó là nguồn lực vay do bán tài sản nhà nước hay đi vay, do vay trong nước hay vay ngoài nước.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014 được xác lập trong tương quan lựa chọn hai loại phương án ưu tiên nêu trên.

Không thể trông cậy vào một phép mầu của tái cơ cấu để ngay trong một năm, vực dậy mức tăng trưởng cao và sự ổn định vĩ mô vững chắc. Nhưng rõ ràng, việc sao lãng mục tiêu tái cơ cấu, thiên lệch sự ưu tiên sang phía nhanh chóng cải thiện tình hình bằng cách tăng trưởng đầu tư trên nền tảng mô hình tăng trưởng và cơ cấu cũ sẽ dẫn đến sự khó khăn đột biến và khó hình dung cho nền kinh tế.

Chính áp lực đó tạo niềm tin về phương án được chọn để giải quyết vấn đề trong năm tới, do đó, cũng là niềm tin về triển vọng chiến lược sáng sủa lâu bền của nền kinh tế.

Theo Trần Đình Thiên

Viện Kinh tế Việt Nam

cucpth

Sài gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên