MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam: Kịch bản nào cho năm 2015?

Theo Viện Nghiên cứu và Chính sách Việt Nam (VEPR), bức tranh kinh tế Việt Nam 2015 có 2 kịch bản khá “đối lập”. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,1% và lạm phát ở mức thấp 1,9%. Ở kịch bản thứ 2, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,3% và lạm phát tăng lên mức 3,2%.

Sáng nay (28/5), Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”.

Tăng trưởng hồi phục nhẹ, lạm phát thấp…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành-Viện trưởng Viện nghiên cứu và chính sách cho biết, trong bối cảnh động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn tới phụ thuộc nhiều vào khả năng ứng dụng và thương mại hóa các thành tựu khoa học công nghệ, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng truyền thống, vừa phải tiếp tục khai thác hiệu quả các dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng dựa trên lợi thế so sánh, vừa phải kiến tạo nền tảng cho mô hình tăng trưởng mới dựa trên lợi thế quy mô, công nghệ, sáng tạo.

Đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam 2014, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, tăng trưởng kinh tế hồi phục nhẹ, song đóng góp của các ngành vào tăng trưởng thời gian qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, ngành công nghiệp và sản xuất tăng mạnh, ngành dịch vụ giảm tốc, đặc biệt là ngành du lịch.

Bên cạnh đó, lạm phát thấp tạo dư địa cho ổn định kinh tế vĩ mô. Giá hàng hóa cơ bản (lương thực, thực phẩm, xăng dầu) giảm; phí dịch vụ công (giáo dục, y tế) tăng thấp hơn; tiêu dùng hộ gia đình cải thiện đáng kể…

Một điểm sáng của kinh tế Việt Nam chính là ngành công nghiệp khởi sắc. Chỉ số sản xuất PMI có khuynh hướng dương liên tục và đạt điểm số trên 50 trong suốt 16 tháng kể từ tháng 9/2013.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều tận dụng được thế mạnh của ngành sản xuất. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động đạt mức tăng cao nhất 4 năm. Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không tiếp cận được nguồn vốn…

Trên cơ sở đó, Viện nghiên cứu và Chính sách cũng đưa ra một số đề xuất về hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Do tăng trưởng kinh tế đang chịu ràng buộc một phần bởi các yếu tố thể chế, cải cách thể chế vào tạo dựng môi trường vĩ mô lành mạnh vẫn là ưu tiên trong giai đoạn sắp tới.

Các rủi ro và bất cân đối vĩ mô có thể tích lũy trong giai đoạn tăng tốc và dễ bị bỏ qua. Sự tăng tốc này còn không bền vững do tính chu kỳ và cấu túc không thuận lợi.

Do những yếu tố tác động tích cực từ việc giá dầu thấp sẽ chỉ thấy rõ hơn trong trung hạn, hậu quả tiềm tàng là Chính phủ sẽ bị hấp dẫn bởi lựa chọn tăng thuế suất hoặc tạo lạm phát để bù đắp hụt thu. Ảnh hưởng tiêu cực do tăng thuế hay tạo ra lạm phát có thể tạo ra kỳ vọng tiêu cực về tương lai và làm chậm khả năng phục hồi của nền kinh tế.

2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2015

Dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015, Viện Nghiên cứu và Chính sách đưa ra 2 kịch bản khá đối lập.

Ở kịch bản thứ nhất, VEPR dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,1%, thấp hơn mục tiêu 6,2% mà Chính phủ đã đề ra.

Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, VEPR cũng đưa ra dự báo mức lạm phát thấp dưới 2% (1,9%) cho năm 2015.

Ở kịch bản thứ hai, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn; có thể đạt 6,3% - cao hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Mặc dù vẫn dự báo lạm phát ở mức thấp, song Viện Nghiên cứu và Chính sách cũng cho rằng, nếu các chính sách tài trợ ngân sách của Chính phủ như tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục); tăng giá xăng dầu, điện… tiếp tục được đẩy mạnh thì lạm phát có thể tăng lên 3,2%.

Tuy nhiên, VEPR cũng dự báo, các chính sách tài trợ ngân sách để đẩy mạnh lạm phát sẽ gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô năm 2016, ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên