MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ luật ngân sách: Bao giờ cho đến bao giờ?

Nhìn sang tổng chi cân đối NSNN vẫn có xu hướng tăng mạnh (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Để tránh sự tái diễn của việc chi sai tùy tiện hết năm này đến năm khác mà vẫn tại vị vẫn không bị luân chuyển công tác, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cần gắn báo cáo kiểm toán với lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và HĐND các cấp.

Căn bệnh kinh niên

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo nổi lên là một trong số ít Dự án về giao thông có mức quyết toán thấp hơn tổng dự toán. Dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước (NSNN) với tổng dự toán được phê duyệt là 1.085,135 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 811,946 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án và chi phí khác là 273,189 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là vốn đầu tư thực hiện Dự án đề nghị quyết toán đến 31/12/2010 là 932,282 tỷ đồng, thấp hơn dự toán gần 8 tỷ đồng do các gói thầu xây lắp được đấu thầu rộng rãi trong nước nên giá trúng thầu giảm so với giá gói thầu được phê duyệt (gói thầu số 6 giảm được 1,861 tỷ đồng, gói thầu số 8 giảm được 5,998 tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng, đơn giá, áp dụng chế độ, chính sách của Nhà nước chưa chặt chẽ và phù hợp làm tăng chi phí xây dựng công trình trên 22 tỷ đồng. Đó là chưa kể, theo kế hoạch, Dự án khởi công năm 2005 và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có gói thầu số 7 khởi công vào tháng 10/2005, còn lại khởi công năm 2006, hoàn thành năm 2009.

“Vấn đề chấp hành pháp luật về ngân sách, luật đấu thầu, xây dựng… vẫn có tình trạng chỗ nào cũng vi phạm, từ giao dự toán chậm, bố trí vốn đầu tư dàn trải, bố trí vốn sai nguồn, nợ đọng thuế, chi vượt, chi sai dự toán… và xảy ra hầu hết ở ngành, chính quyền địa phương”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quốc Khánh sau khi đọc 2 báo cáo kiểm toán và quyết toán NSNN 2011, 2012.

Nhìn lại báo cáo quyết toán ngân sách 2011 tổng số thu cân đối NSNN là 962.982 tỷ đồng vượt 126.804 tỷ đồng (21,3%) so với dự toán được Quốc hội giao, vượt 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ là 7 - 8%. Điều này thể hiện công tác lập dự toán chưa sát với thực tế phát sinh, phần nào ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN.

Đây là tồn tại từ nhiều năm mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng hầu như không khắc phục được.

Nhìn sang tổng chi cân đối NSNN vẫn có xu hướng tăng mạnh (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).

Các vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản đều xảy ra ở tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến quyết toán công trình, hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí NSNN. Kiểm toán niên độ NSNN năm 2011 đã kiến nghị giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.175 tỷ đồng.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân

Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh thẳng thắn: “Trong khi người dân tin tưởng Nhà nước thay mặt họ chi tiêu thì các cơ quan Nhà nước lại sử dụng tùy tiện đồng tiền này. Quốc hội cần tỏ thái độ nghiêm hơn và rõ ràng hơn đối với vấn đề chấp hành pháp luật về tài chính”.

Để tránh sự tái diễn của việc chi sai tùy tiện hết năm này đến năm khác mà vẫn tại vị vẫn không bị luân chuyển công tác, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cần gắn báo cáo kiểm toán với lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội và HĐND các cấp.

“Vẫn làm sai mà vẫn bố trí cán bộ thì sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng NSNN”, bà Khánh kiến nghị.

Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, thực trạng này xuất phát từ việc điều hành vĩ mô còn lúng túng, sự phối hợp không ăn khớp lắm nên giải quyết không thực chất, hiệu quả đầu tư chưa cao trong tất cả các lĩnh vực. Chính phủ chưa quy định rõ trách nhiệm cá nhân, chưa có các công cụ đánh giá tốt, hay vì sao chưa tốt.

Đây cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xây dựng và hình thành các quy tắc tài khóa được thiết kế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng phải phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế trong từng giai đoạn như thông qua việc ban hành các quy định có tính pháp quy cao cùng với chế tài mạnh về giới hạn mức độ động viên ngân sách, giới hạn về bội chi ngân sách, giới hạn về nợ công… nhằm củng cố kỷ luật tài khóa.

Hiện nay Việt Nam cũng đã có các quy định về giới hạn bội chi, giới hạn nợ công… nhưng các quy định này mới chỉ được đưa ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm, Chiến lược tài chính đến năm 2020, Chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…

Việc xây dựng và công bố các quy tắc này tạo điều kiện cho chủ thể liên quan trong xã hội và người dân tiếp cận được với các thông tin về nguyên tắc, mục tiêu và định hướng của chính sách tài khóa, từ đó tăng cường sự phản biện chính sách của cộng đồng cũng như củng cố trách nhiệm giải trình.

Luật Đầu tư công (hay Luật về quản lý vốn đầu tư Nhà nước) khi được ban hành, cần thống nhất quản lý tất cả các loại vốn đầu tư Nhà nước, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào các DN; tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình để khắc phục tầm nhìn và tư duy cục bộ địa phương, tầm nhìn và lợi ích nhiệm kỳ, lợi ích nhóm trong phân bố và sử dụng vốn đầu tư Nhà nước.

Khắc phục tính lồng ghép của hệ thống NSNN cần khắc phục tính lồng ghép của hệ thống NSNN hiện hành. Theo đó, việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách của ngân sách cấp nào thì do cấp đó quyết định. Quốc hội chỉ quyết định ngân sách Trung ương và bổ sung cho ngân sách tỉnh, ngân sách xã. Ngân sách mỗi tỉnh và mỗi xã do HĐND cùng cấp quyết định. Chính quyền Nhà nước cấp trên không giao dự toán thu, chi cho cấp dưới.

Bỏ ngân sách lồng ghép thì vấn đề phân cấp quản lý NSNN sẽ trở nên minh bạch hơn, tránh chồng chéo về thẩm quyền. Quyền hạn của từng cấp chính quyền được xác định rõ ràng hơn, đồng thời đơn giản được quy trình, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách. Tính dự báo của NSNN dễ được thực hiện và vấn đề xem xét kỷ luật tài khóa được minh bạch.

PGS., TS. Lê Thị Thanh Học viện Tài chính

Theo Nhất Thanh

cucpth

TBNH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên