Làm ăn bi bét, ai cắt lương sếp DNNN
Nếu lợi nhuận thấp, mà trong chi phí, giá thành phải gánh lương cao của lãnh đạo DNNN, thì buộc phải giảm lương đó xuống -Phó chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Phúc trao đổi với chúng tôi bên lề phiên họp tổ QH chiều 18/11.
Mối quan tâm của công luận như vậy là quá đúng vì thực tế đã chứng minh, không những vụ việc đó mà trước đây, qua kiểm toán cũng cho thấy lãnh đạo của một số DNNN hưởng lương rất cao.
Mức lương đó, trước hết, không tương xứng với nền kinh tế. Thứ hai, không tương xứng với hiệu quả của bản thân doanh nghiệp.
Theo tôi cần rà soát để chấn chỉnh lại. Đầu tiên là rà soát các quy định của pháp luật về lương đối với người đứng đầu các DNNN. Như các doanh nghiệp khác, nếu đạt lợi nhuận cao thì thu nhập có thể tương ứng, nếu thua lỗ mà vẫn lương cao thì rõ ràng không thể chấp nhận.
Vấn đề lớn hơn cả là công bằng xã hội. Thủ tướng đã báo cáo với QH mức lương của mình, trong khi lương của một ông Tổng giám đốc DNNN lại như vậy, những đóng góp của ông ta so với Thủ tướng là người lo cho cả nền kinh tế, có đúng không?
Ngay trong nhà nước, đó còn là sự công bằng giữa khu vực hành chính và khu vực sản xuất kinh doanh, giữa các DNNN ở các lĩnh vực khác nhau, giữa lãnh đạo và người lao động trực tiếp... Sự không công bằng sẽ không tạo ra động lực để khuyến khích các lĩnh vực cần phát triển như sản xuất, mà chỉ tập trung vào những lĩnh vực dịch vụ như tài chính, ngân hàng..., dẫn đến phân bổ lệch các nguồn lực về vốn và con người.
- Vậy làm thế nào để rà soát được một cách chính xác lương và thu nhập của các vị đó?
Trách nhiệm chính trong việc này là của Chính phủ và các bộ, người đề ra, trình các dự án luật đồng thời theo dõi và thực hiện.
Trong bản thân mỗi doanh nghiệp phải có những nguyên tắc, tiêu chí gắn hiệu quả sản xuất kinh doanh với lương. Nếu lợi nhuận thấp, mà trong chi phí và giá thành phải gánh lương cao của lãnh đạo, thì buộc phải giảm lương đó xuống.
Hiện nay ta đang tái cơ cấu DNNN, trong đó có tái cơ cấu về sản xuất kinh doanh, nhân sự, tài chính... Tất cả sẽ dẫn đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Cách quản trị DNNN hiện đại, mà thế giới đã áp dụng nhiều, là giao việc lựa chọn người đứng đầu DNNN cho hội đồng quản trị, để họ quyết định về lương và việc sử dụng người đứng đầu đó, sẽ giải quyết được vấn đề. Không nên theo cách bổ nhiệm như hiện nay.
UB Kinh tế, khi thẩm tra nghị quyết QH về kinh tế - xã hội năm 2014, cũng yêu cầu công khai minh bạch hoạt động của DNNN, trong đó có lương và thu nhập, gồm các tiêu chuẩn, định mức, chế độ và mức lương.
Đối với người lao động, lương là vấn đề riêng tư. Nhưng đối với lãnh đạo, phải công khai minh bạch, vì đó không phải việc của riêng họ, đó là vấn đề lợi ích.
Theo Chung Hoàng