MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát - “khắc tinh” của giảm nghèo bền vững

Thay vì thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2010; giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 vừa được Phó thru tướng Vũ Văn Ninh phê duyệt, trong giai đoạn 2012-2015, Chính phủ đầu tư cho Chương trình này 27.509 tỷ đồng (6.877 tỷ đồng/năm).

Trong đó, Ngân sách Trung ương chịu trách nhiệm 20.509 tỷ đồng; ngân sách địa phương chịu trách nhiệm 4.000 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng còn lại dự kiến huy động từ các nguồn vốn khác ngoài xã hội và nguồn viện trợ nước ngoài.

Như vậy, so với tổng kinh phí giảm nghèo giai đoạn trước 2006-2010 (17.488 tỷ đồng) giai đoạn tới, tổng kinh phí tăng 10.021 tỷ đồng, bình quân mỗi năng tăng hơn 3.290 tỷ đồng, không kể nguồn vốn tín dụng cho người nghèo.

Đầu tư 27.509 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, Chính phủ đặt ra mục tiêu, vào cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011 - 2015.

Đến năm 2015 sẽ có ít nhất 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 30% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 85% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% trung tâm xã có điện; trên 90% thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh…

Số tiền chi cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo gấp hơn 1,57 lần so với giai đoạn trước, nhưng để đạt được mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, bởi năm 2012 - năm khởi động của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 tỷ lệ giảm nghèo không đạt kế hoạch.

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 thì năm 2013, số hộ nghèo giảm 1,76% so với năm 2011. Tốc độ giảm nghèo năm 2012 không chỉ thấp xa so với năm 2011 là 2,44% mà còn không đạt kế hoạch đặt ra là giảm 2%.

Trong khi đó, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2012, hộ nghèo giảm nghèo tới 1,97% so với năm 2011. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số hộ nghèo năm 2012 ước còn khoảng 11,1 - 11,3%, tức là chỉ giảm 1,3-1,5% so với năm 2011.

Dù tỷ lệ giảm nghèo  đạt được theo con số thống kê nào đi chăng nữa thì cùng với chỉ tiêu tạo việc làm mới, giảm nghèo không đạt kế hoạch cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại cho sự phát triền bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

“4 nội dung quan trọng nhất thể hiện sự phát triển bền vững là tăng trưởng GDP, giảm nghèo, tạo việc làm mới và tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 không đạt mục tiêu. Vì thế, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là một thách thức rất lớn”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Theo bà Ngân, năm năm 2013 nền kinh tế còn gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó, năm 2012, các bộ ngành, địa phương mới chỉ “xoay sở” để xử lý những khó khăn phát sinh trước mắt, chưa xử lý được những vấn đề cốt lõi để hướng nền kinh tế phát triển bền vững. “Chúng ta đã đi vào quỹ đạo phát triển bền vững chưa?”, bà Ngân đặt câu hỏi.

Trả lời câu  hỏi của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Cao Sỹ Kiêm, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế thẳng thắn: “Tăng trưởng GDP, giảm nghèo, tạo việc làm mới không đạt kế hoạch đã minh chứng nền kinh tế phát triển thiếu bền vững. Năm 2013, nền kinh tế nhiều khả năng còn “tiêu cực” hơn năm nay. Nếu GDP không tăng trưởng khoảng 6% thì khó có thể bảo đảm giải quyết công ăn việc làm và xoá đói giảm nghèo như mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”.

Ông Kiêm cho rằng, nếu có thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh thì lạm phát năm 2013 ít nhất cũng phải bằng năm 2012 (tăng 8-9%), cao gấp 2-3 lần so với nhiều nước trên thế giới, thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút khiến công tác xoá đói, giảm nghèo bị ảnh hưởng đáng kể.

“Giảm nghèo bền vững phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát, lường trước các nguy cơ có thể khiến lạm phát quay trở lại. Nếu lạm phát quay trở lại, hiệu quả giảm nghèo sẽ giảm rõ rệt”, ông Kiêm cảnh báo.

Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững thì lạm phát hàng năm tối đa chỉ ở mức 5%. Theo ông Ngoạn, nếu lạm phát cao hơn 5% thì khó có thể ổn định kinh tế, phát triển bền vững, giải quyết giảm nghèo bền vững như mục tiêu đặt ra.

“Hiện còn rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn tác động tới lạm phát, trong đó có nguyên nhân quan trọng là lạm phát do tâm lý thị trường. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần phải chủ động kiềm chế lạm phát, thay vì kiềm chế lạm phát thụ động như hiện nay”, ông Ngoạn phát biểu.

                                                                                                                              Theo Mạnh Bôn

                                                                                                                                       Báo đầu tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên