“Lạm phát quá thấp sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ của doanh nghiệp”
Lạm phát thấp đạt được trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc như nợ công, nợ xấu, nợ đọng còn cao; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường chứng khoán còn bấp bênh... sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.
- 14-01-2015Lo áp lực thanh khoản ngoại tệ
- 05-01-2015Lạm phát thấp, giá dầu giảm và đâu là “trụ đỡ” cho nền kinh tế VN năm 2015?
- 28-12-2014Những cái sai đằng sau lo ngại lạm phát thấp
Đó là quan điểm của TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh về những rủi ro của hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết.
Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt và mềm dẻo với mục tiêu chủ đạo là duy trì lạm phát thấp và ổn định, từ đó đóng góp quan trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã luôn kiên định theo mục tiêu là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời chú trọng đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trước bối cảnh lạm phát năm 2011 ở mức cao 18,13%, NHNN đã rất nổ lực và có nhiều giải pháp đồng bộ để giảm lạm phát, số liệu thực tế qua các năm như sau: 6,81% trong năm 2012, 6,04% trong năm 2013 và 4,09% trong năm 2014 (thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao từ đầu năm 2014 là 7%).
NHNN tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo định hướng của Chính phủ cho năm 2015 là 5%. Theo đó, các giải pháp điều hành trong ngắn hạn đều nhất quán và không ảnh hưởng đến mục tiêu xuyên suốt này.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, sản xuất bị thu hẹp do những ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và quá trình tái cơ cấu mới đang được triển khai, thì việc lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã đóng vai trò quan trọng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng niềm tin vào nền kinh tế, thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, lạm phát thấp đạt được trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc như nợ công, nợ xấu, nợ đọng (xây dựng cơ bản, thuế, nợ các doanh nghiệp với nhau) còn cao; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường chứng khoán còn bấp bênh; mô hình tăng trưởng chưa thay đổi với tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm đang và sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. Duy trì lạm phát thấp như hiện nay là thực sự chưa bền vững. Lạm phát ở mức quá thấp sẽ làm suy yếu khả năng chống đỡ của doanh nghiệp trước các cú sốc. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.
Bên cạnh đó, chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ dễ dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung - cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung. Lạm phát thấp kéo theo sức mua ỳ ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn. Giới doanh nghiệp ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí.
Lạm phát quá thấp sẽ “gặm nhấm” doanh số và nguồn thu thuế, cản trở việc tăng lương, ăn mòn lãi suất cận biên. Chúng cũng đè gánh nặng nợ nần lên các công ty và Chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cảnh báo rằng kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định nhưng thấp cũng có thể gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế của một quốc gia.
Ngoài ra, lạm phát thấp hiện nay còn tạo ra nhiều thách thức khác đối với kinh tế Việt Nam như thu ngân sách sẽ khó khăn hơn, Chính phủ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách, phát triển kinh tế - xã hội. Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế vì vậy khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước vì vậy ngày càng xa.
Lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn.
TS. Bùi Quang Tín