Không đủ tài sản để xử lý nợ 

Sau hàng loạt vụ án tham nhũng “vô tiền khoáng hậu” xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ VN (Vinashin) hay TCty Hàng hải VN (Vinalines), chưa khi nào vấn đề quản lý hiệu quả, bảo toàn và tránh thất thoát vốn nhà nước (NN) được đặt ra ráo riết như lúc này. 

Trước những “núi tiền” mà những người có trách nhiệm cao nhất ở những tập đoàn, TCty này làm thất thoát, cơ chế quản lý vốn NN đang được cho là khá lỏng lẻo, thiếu sự giám sát. Việc xử lý công nợ phải thu, phải trả trong DNNN lâu nay vẫn chỉ là công việc của các nhà tài chính kế toán, người đại diện vốn NN tại DN là chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), HĐTV, chủ tịch Cty, TGĐ hay GĐ hầu như chỉ chịu trách nhiệm liên đới. 

Không ít DNNN có số nợ phải trả gấp nhiều lần vốn điều lệ, kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất hết vốn, nhưng “chết” vẫn không “chôn” được vì xoá sổ DN thì lấy ai trả nợ? Chưa thấy vị lãnh đạo DN nào bị đưa ra kỷ luật vì DN thua lỗ, nợ nần chồng chất, còn các vị lãnh đạo thì đổ lỗi cho... nguyên nhân khách quan... 

TS Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ - cho rằng: NĐ 206 quy định gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là rất chặt chẽ, bởi các GĐ DN tiêu tiền NN, phải có trách nhiệm cuối cùng đối với đồng vốn NN. Khi ra quyết sách điều hành SXKD, đặc biệt liên quan đến những khoản nợ phải thu, phải trả của DNNN thì người đứng đầu phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để hạn chế thấp nhất rủi ro. Đây là khía cạnh tích cực của Nghị định (NĐ). 

Tuy nhiên, để NĐ được thực thi, theo ông Kiêm, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể. Bởi các DNNN phần lớn có doanh số lớn, số nợ phải thu, phải trả cũng rất lớn, lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trong quá trình hoạt động, vì nhiều nguyên nhân mà dẫn đến chỗ phải phát sinh công nợ phải thu, phải trả. Có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, có nguyên nhân bất khả kháng do thị trường thế giới, trong nước biến động, thiên tai, dịch bệnh và có rất nhiều vấn đề dẫn đến rủi ro, không lường trước được khiến DN lâm vào cảnh nợ nần.

Song cũng có những nguyên nhân chủ quan do năng lực yếu kém, không ngoại trừ cả nguyên nhân cố ý làm trái để tư lợi cá nhân. Chỉ những nguyên nhân xác định được do người đứng đầu cố tình làm trái thì đương nhiên phải bồi thường bằng tài sản cá nhân. Nhưng nếu có thế chấp tài sản để đảm bảo nợ của DN, thông thường sẽ vượt quá tài sản của cá nhân, không đủ so với số mà DN bị nợ. 

Có đạt được mục tiêu?

Có thể nói, dưới góc độ quản lý NN thì NĐ 206 được xem là một bước tiến, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo DNNN. Tuy nhiên, nhiều GĐ DNNN khá băn khoăn. Trao đổi với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo DNNN cho biết: Thứ nhất, lương của lãnh đạo DNNN hiện theo quy định cao nhất là 36 triệu đồng/tháng. Nếu xảy ra thua lỗ vài tỉ đồng thì bao năm lương mới đủ đền bù thiệt hại? Yêu cầu nâng cao trách nhiệm lãnh đạo DNNN, nhưng hiện cơ chế lương như vậy là chưa thỏa đáng. Thứ hai, quy định nếu do nguyên nhân khách quan thì sẽ không phải đền bù thiệt hại.

Vậy thế nào là nguyên nhân khách quan? Thế nào là chủ quan cần quy định rõ ràng, cụ thể. Nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, thị trường biến động phức tạp, lãnh đạo DN đã cố gắng hết sức nhưng vẫn thua lỗ thì xử lý như thế nào? Tiếp nữa, là cơ chế ra quyết định của DNNN. Liệu lãnh đạo DN có được toàn quyền quyết định như DN tư nhân không? Theo NĐ 99 về phân công, phân cấp quyền chủ sở hữu NN thì TGĐ  chỉ là một thành viên HĐTV, không có toàn quyền quyết định các vấn đề của DN. 

Trong trường hợp kinh doanh thua lỗ dẫn đến mất vốn, hoặc không xử lý được các khoản nợ do nhiều nguyên nhân, việc buộc phải thế chấp tài sản cho những quyết định sai lầm mà lỗi không hoàn toàn do mình liệu có dẫn đến tình trạng các TGĐ, GĐ DN NN không mạnh dạn quyết đáp? 

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam - cho rằng: “Sẽ không ai mở tài khoản để “thế chấp” cho chức chủ tịch, TGĐ để nếu thất thoát thì “đền bù” bằng tiền cá nhân”. Trong điều hành DNNN, GĐ DN không phải là người có tiếng nói quyết định, còn chủ tịch HĐTV thì không phải vốn chủ sở hữu thực sự của ông ta mà NN đặt ông ta vào vị trí đó. 

Nếu buộc phải an toàn vốn thì tốt nhất là “không làm gì”, sẽ chỉ có những GĐ “mũ ni che tai”, không có người giỏi thực sự, dám ra những quyết định mạnh bạo. Từ đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN cũng sẽ giảm sút.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex):

Các quy định được ban hành về phân cấp chủ sở hữu DNNN và quản lý vốn DNNN chủ yếu để áp dụng đối với DNNN 100% vốn chủ sở hữu. Đối với DNNN nắm giữ trên 50% vốn như Petrolimex, hiện nhiều quy định chưa cụ thể, dẫn đến việc thực hiện chức năng quản lý vốn NN tại DN gặp nhiều khó khăn. Theo quy chế về chế độ tiền lương đối với các chức danh quản lý DNNN 50% vốn NN trở lên hiện áp dụng như với DN 100% vốn NN. Vì vậy, sẽ hình thành 2 thang - bảng lương trong DN. Các chức danh đại diện vốn NN sẽ hưởng lương theo ngạch viên chức quản lý, và hệ thống khác là các chức danh lãnh đạo ăn lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, NĐ 206 quy định gắn trách nhiệm người lãnh đạo cao nhất với các khoản nợ phải thu, phải trả và phải đền bù bằng tài sản cá nhân sẽ là không thoả đáng.

Theo Quỳnh Trang - Lê Tuấn