MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại nhập siêu, Chính phủ chỉ đạo “gỡ khó”

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1233/QĐ-TTg (Quyết định 1233) về việc phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với cam kết quốc tế.

Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm xây dựng bộ công cụ quản lý nhập khẩu trong thời gian tới phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tạo dựng môi trường pháp lý công khai, minh bạch, ổn định, có thể dự báo được cho doanh nghiệp, góp phần kiểm soát nhập khẩu, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Định hướng công tác quản lý nhập khẩu đảm bảo mục tiêu đã đề ra, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11%/năm; nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân dưới 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, giảm dần thâm hụt thương mại và tiến tới cân bằng thương mại vào năm 2020.

Theo đó, Quyết định đã nêu định hướng cụ thể về việc duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với WTO và tại các FTA song phương và đa phương.

Đồng thời, tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại. Tạo dựng và áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, chú trọng công tác thông tin cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp áp dụng.

Cụ thể, đối với thuế quan, Chính phủ chỉ đạo sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (thuế bảo vệ môi trường ... ) nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết.

Với những hàng hóa trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có FTA.

Đối với hạn ngạch thuế quan, cần nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các FTA song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu, giữ nguyên hệ thống hiện hành trong việc áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn môi trường…

Đối với biện pháp hạn ngạch nhập khẩu, cần tuân thủ cam kết với WTO không sử dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, về phòng vệ thương mại, Chính phủ cũng chỉ đạo cần hoàn thiện, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh biện pháp phòng vệ thương mại để phù hợp với các quy định của WTO. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, nâg cao nhận thức, năng lực của DN về sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Theo số liệu Tổng Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập siêu 6 tháng là 3,7 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Trong đó các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng; điện thoại và linh kiện; máy tính, phụ tùng; ô tô nguyên chiếc; sắt thép các loại; nguyên liệu dệt may, da giày; thức ăn gia súc; xăng dầu...

 

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên