Lo nợ xấu, nợ công, tụt hậu
Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015. Mừng vì kinh tế tăng trưởng, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới sự phát triển.
- 04-06-2015Xây sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ
- 02-06-2015Đại biểu Quốc hội thắc mắc “những khoản thu kỳ cục”
- 29-05-2015Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phí bảo trì đường bộ
- 19-05-2015Đại biểu và cử tri gửi nhiều vấn đề tâm huyết đến Quốc hội
Đó là nhận định, đánh giá của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về thực trạng nền kinh tế, khi trao đổi với chúng tôi.
ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Nợ công cao cản bước phát triển
Tình hình KTXH những tháng đầu năm 2014 nhiều khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định dần, tăng GDP năm 2014 vượt kế hoạch. Trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng đạt mức tăng trưởng khá, tăng cao hơn so với cùng kỳ, cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cần tập trung giải quyết, như chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2015, mức tăng trưởng xuất khẩu thấp. Nếu năm 2014, xuất siêu đến 2,1 tỷ USD thì cũng trong 4 tháng đầu năm nay, nhập siêu đã lớn hơn cả xuất siêu của năm 2014. Nếu xuất khẩu không được đẩy mạnh, nhập khẩu không được kiểm soát, nguy cơ thâm hụt cán cân thương mại là hiện hữu.
Nhiều doanh nghiệp vẫn phá sản và gặp nhiều khó khăn, nhưng tại sao nền kinh tế lại tăng trưởng cao như vậy? Đây là vấn đề cần phải mổ xẻ, phân tích kỹ càng để sau này chúng ta có thể giữ được sự phát triển kinh tế ổn định, vững chắc.
ĐB Trần Ngọc Vinh
Toàn bộ những nguy cơ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của sự phát triển kinh tế, vốn vẫn đang tiềm ẩn bất ổn. Một trong những điều bất ổn và khó khăn nhất hiện nay là chất lượng của nền kinh tế, hiệu quả của sản xuất kinh doanh ở các khu vực đều hạn chế.
Đặc biệt, năng suất lao động của chúng ta thuộc hàng thấp nhất so với các nước trong khu vực. Sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, có mặt hàng lợi thế, nhưng cũng có nhiều mặt hàng rất khó cạnh tranh.
Tới đây, việc ký kết một loạt các hiệp định song phương và đa phương sẽ mở ra vận hội mới cho tăng trưởng xuất khẩu, nhưng bên cạnh đó, nhiều ngành sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ví dụ, khi mở cửa thị trường, thịt bò, thịt gia cầm sẽ khó cạnh tranh được với thực phẩm trên thế giới. Hay hàng hóa của Trung Quốc có rất nhiều lợi thế, chất lượng không cao, nhưng giá bán rẻ nên vẫn được thị trường trong nước đón nhận. Để tránh nguy cơ đổ vỡ, chúng ta cần có giải pháp ngay từ bây giờ mới có thể duy trì được tính ổn định của nền kinh tế, như nghiên cứu hàng rào phi thuế quan, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế…
Ngoài ra cũng phải nói đến thực trạng quản lý tài chính, ngân sách vừa qua với nhiều khoản chi chưa thực sự hiệu quả khi nợ công cao, bội chi lớn và có xu hướng tăng. Cụ thể, nợ công năm 2013 tăng trên 18% so với năm 2012, mức bội chi ngân sách đã nâng từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP và rồi kết quả cuối cùng là con số 6,6% GDP.
Tất cả những vấn đề này đã tác động đến nợ công, đến sự bền vững lành mạnh của chính sách tài khóa, trở thành những vật cản và thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Để thoát khỏi tình trạng này, Chính phủ cần đánh giá sát tình hình, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua việc ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Chính phủ phải thấy được những khó khăn, thách thức, thậm chí nguy cơ đổ vỡ của một số ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp ngay từ bây giờ.
ĐB Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn
Thấy rõ nhất, thời gian qua, nền kinh tế phục hồi nhanh với những kết quả rất rõ. Song, điều đáng lo ngại nhất, theo tôi chính là tính bền vững và sự chậm chạp trong việc triển khai một số lĩnh vực, như cổ phần hóa, hay thực hiện quá trình hội nhập…
Dù có nhiều biến động, ngành Ngân hàng có vẻ khá hơn các lĩnh vực khác, việc điều hành kiểm soát lạm phát chắc chắn và ổn định hơn. Tái cơ cấu ngành Ngân hàng đã bắt đầu được thực hiện kiên quyết, lãi suất, tỷ giá đã theo form của thị trường… Lĩnh vực này dù bị phản ứng rất nhiều trong thời gian qua, nhưng cũng đã tạo ra được những kết quả.
Nhìn lại nền kinh tế, tôi cho rằng, vẫn còn những vấn đề đáng phải lưu tâm, điển hình như nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. So với trước đã có tiến bộ hơn nhưng việc giải quyết không rõ, việc xử lý dứt điểm nợ xấu không mấy hứa hẹn, chẳng hạn như lấy vốn ở đâu? Cơ chế đang tắc hiện nay sẽ giải quyết thế nào? Điều chúng ta thấy rõ nhất là việc sở hữu tài sản đất đai thế chấp không có sổ đỏ, tài sản chỉ là bất động sản. Bây giờ phải đánh giá lại thế nào đây? Ai có quyền đánh giá?... Tất cả những điều này cần phải khống chế lại và giải quyết rốt ráo trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Giải pháp giúp doanh nghiệp phải cụ thể
Báo cáo bổ sung tình hình KTXH những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015 về tình hình chung thấy rất nhiều khả quan. Tuy nhiên, hiên nay tôi rất lo lắng và quan tâm tới những biện pháp, chính sách rất cụ thể của Chính phủ để tạo ra cơ chế cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất. Đây là điều rất đáng để quan tâm.
Chúng ta xác định năm nay là năm tập trung cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp. Doanh nghiệp thể hiện sức sống của nền kinh tế nên tôi rất mong trong thời gian tới, ngoài các nhóm giải pháp đã được trình tại kỳ họp, Chính phủ sẽ có những giải pháp hết sức cụ thể để phục hồi, vực dậy doanh nghiệp.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Lãi suất cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh
Trong phiên thảo luận về tình hình KTXH này, có hai vấn đề tôi sẽ nêu ra là phát triển nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là hai điểm tựa bền vững nhất của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên cả hai lĩnh vực trên, chúng ta đều đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng sản phẩm không cao, cứ được mùa là mất giá. Trong xu thế
hội nhập, nếu nông nghiệp vẫn cứ yếu ớt, sẽ khó cạnh tranh được. Không khéo người dân sẽ quay ra sử dụng lương thực, thực phẩm của Úc, Thái Lan, lúc đó phát sinh muôn vàn khó khăn khó lường. Chính phủ, Quốc hội cần phải có giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ hai, việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chưa được quan tâm. Ở các nước, lãi suất cho vay thấp, doanh nghiệp của họ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Còn ở ta, lãi suất cao, doanh nghiệp không có tiền đổi mới công nghệ, thiết bị. Năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp tư nhân rất yếu. Hội nhập là mở toang cánh cửa, mà chúng ta cứ yếu ớt như này thì không khéo người dân Việt Nam lại dùng hàng nước ngoài hết. Để chuẩn bị mở cửa cộng đồng kinh tế ASEAN, Thái Lan đã có kế hoạch rất cụ thể. Họ cũng đã học tiếng Việt, sẵn sàng nhảy vào thị trường Việt Nam.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Kinh tế phục hồi sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn?
Năm 2014, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc điều hành nền kinh tế, do vậy chúng ta mới đạt được và nhiều kế hoạch vượt chỉ tiêu đề ra. Nhưng một câu hỏi đặt ra là nền kinh tế có thực sự bền vững hay không?
Doanh nghiệp khó khăn nhưng kinh tế vẫn phát triển, nguyên nhân do đâu? Theo tôi, rất có thể do yếu tố tác động từ bên ngoài, vì nội lực của chúng ta trong thời gian qua còn yếu. Thời gian qua chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài. Dù các chính sách của chúng ta đúng, nhưng quan trọng hơn là phải biết tự lực, tự cường, vực dậy doanh nghiệp trong nước.
Nếu một ngày nào đó, doanh nghiệp FDI rút đi, lúc đó mình sẽ ra sao? Có lẽ chúng ta sẽ trở tay không kịp, vì khi họ đi sẽ biến nơi ấy thành những “sa mạc”, bị “bê tông hóa” hết. Trong bối cảnh mức tăng trưởng chủ yếu dựa vào khu vực FDI, điều Chính phủ cần phải lưu tâm giải quyết là chống chuyển giá và chống thất thu nhiều loại thuế.