'Lọc' ưu đãi vốn ngoại: Cần cái gì, ưu đãi cái đó
Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế về vấn đề lọc ưu đãi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (c) để tạo môi trường công bằng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia kinh tế về vấn đề lọc ưu đãi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (c) để tạo môi trường công bằng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Chọn số lượng hay chất lượng ?
|
Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, tổng kết thực tiễn các chính sách về hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới cho thấy sự thay đổi về cách tiếp cận đối với FDI theo hai cách điển hình: ưu tiên về số lượng và ưu tiên về chất lượng.
Cách tiếp cận ưu tiên về số lượng coi FDI là một nguồn vốn đầu tư nên tìm kiếm nguồn lực với những dự án sử dụng nhiều lao động và vốn đầu tư lớn.
Cách tiếp cận ưu tiên về chất lượng là hướng đến thu hút một số các hoạt động đầu tư cụ thể mà nước sở tại cho rằng có tác động tích cực lên định hướng phát triển kinh tế. “Do đó, tôi kiến nghị nước ta cần kết hợp cả hai cách tiếp cận trên về thu hút FDI.
Thứ nhất, luật Đầu tư sẽ cụ thể hóa các hoạt động đầu tư nước ngoài cần phải có biện pháp thu hút. Đồng thời cần xác định các chính sách, biện pháp ưu đãi tương ứng. Thứ hai, đối với các hoạt động FDI khác thì coi như hoạt động đầu tư “tự nhiên” với các biện pháp thu hút như các hoạt động đầu tư trong nước”, TS Cung phân tích.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Vận động chính sách thương mại quốc tế (VCCI), thì cho rằng việc lựa chọn FDI như thế nào còn phụ thuộc vào những yếu tố đầu vào của VN như nguồn nhân lực, công nghệ, giáo dục, môi trường… Chẳng hạn mỗi năm VN phải giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người thì cũng cần thu hút những dự án sử dụng nhiều lao động.
Tuy nhiên, lao động của VN vẫn còn được xem là khá rẻ trong khu vực và đây đã là một lợi thế nên không nhất thiết phải hạ giá khi đưa ra những ưu đãi cho chủ đầu tư; thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng phải siết chặt điều kiện đảm bảo môi trường. Đối với bài toán công nghệ, nếu VN không có sự chuẩn bị để tiếp nhận chuyển giao nhằm tự chủ ở nhiều lĩnh vực thì cũng khó thành công khi thu hút FDI theo mục tiêu này.
Thậm chí chỉ dừng lại ở công nghệ loại hai, công nghệ phế thải từ các nước đưa vào VN. Còn nếu mục tiêu thu hút vốn FDI thì phải xác định rõ ưu tiên vào những dự án gì? Những dự án như xi măng, sắt thép với công nghệ thấp gây hại cho môi trường thì phải cân nhắc. Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh: “Tùy lĩnh vực lựa chọn chính sách ưu đãi phù hợp. Những ngành đánh đổi vốn lớn nhưng không đưa lại hiệu quả về kinh tế, không đúng mục tiêu thu hút công nghệ cao hay chỉ làm lợi cho một vài địa phương thì phải mạnh dạn loại bỏ”.
Cân đối FDI và DN trong nước
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều nước đã giảm dần các chính sách ưu đãi khi thu hút FDI theo hướng lựa chọn những ngành phù hợp. Ví dụ Thái Lan làm khá rõ công nghệ cao cần khuyến khích những ngành gì. Họ đưa ra cụ thể những ngành gì để vận động thu hút đầu tư và dành ưu đãi cho những ngành này. Ưu đãi của họ rất rõ và tập trung. Một mặt cung cấp ưu đãi và một mặt chuẩn bị tất cả những điều kiện nền tảng như nhân sự tốt để tiếp nhận những ngành có ưu đãi.
Điều quan trọng nữa là phải cân đối phát triển hài hòa giữa hai khu vực kinh tế FDI và DN trong nước. Vì cơ bản nhà đầu tư nước ngoài vào một quốc gia nào đó là để tìm kiếm lợi nhuận và sau đó chuyển lợi nhuận về nước. Như vậy thì không có nguồn lợi nhuận dôi ra để đầu tư phát triển trong khi DN trong nước nếu có lợi nhuận sẽ tái đầu tư và làm thêm các dự án để phát triển.
Vì thế, phải xem lại cơ cấu để những ngành nào cần thu hút thêm FDI, những ngành nào phải dành đất cho DN trong nước. “Những ngành mà VN cần thu hút FDI để phát triển, nhất là nâng trình độ của nền kinh tế thì cần cung cấp cho họ những ưu đãi, đặc biệt là đầu tư trong nông nghiệp. Đây là lĩnh vực có tính rủi ro cao, phải đầu tư lớn theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, con giống, hệ thống chế biến… nên cần nhà đầu tư FDI. Họ có sẵn những cái ta đang thiếu và VN cần hoan nghênh”, chuyên gia Phạm Chi Lan phát biểu.
TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia kinh tế, cũng khẳng định rằng để "lọc" vốn FDI vào VN hiệu quả nhất là áp dụng biện pháp muốn thu hút lĩnh vực gì thì ưu đãi lĩnh vực đó, còn không thì cắt bỏ mọi ưu đãi. Theo ông, VN nên tập trung ưu đãi để thu hút FDI vào vùng kinh tế khó khăn, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ cao; nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và bảo quản; dự án kết hợp sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Mai Phương - Trần Tâm