Lót đường, trải thảm cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao
“Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014-2020” mà Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ nâng cao năng lực cho các DN.
Các doanh nghiệp được lựa chọn là "doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh." theo tiêu chuẩn của Đề án đặt ra sẽ được thụ hưởng các chính sách sau:
Về chính sách đất đai:
Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để phục vụ cho sản xuất kinh doanh thuộc nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Nhà nước sẽ dành quỹ đất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao cho các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ chung như: trưng bày giới thiệu sản phẩm, công nghệ, dịch vụ kiểm định chất lượng vật tư, sản phẩm xuất xưởng, kho tàng,....
Về chính sách nông nghiệp:
Nhà nước sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư để đến năm 2020 xây dựng được 80% kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ các vùng nuôi thủy - hải sản có quy mô sản xuất và tiêu thụ lớn, trước hết là vùng nuôi tôm và cá tra tập trung.
Nhà nước hỗ trợ xây dựng các hệ thống kiểm soát chất lượng các lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao đạt chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng ổn định cho các sản phẩm xuất khẩu và nâng cao uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội:
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 – 2020.
Về chính sách đầu tư:
Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 – 2020 được ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như quy định tại Điều 7 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Về chính sách khoa học và công nghệ:
Các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 – 2020 được xem xét hỗ trợ, ưu tiên trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên hỗ trợ vay vốn thuộc các quỹ về khoa học và công nghệ để thực hiện các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu, đầu tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sạch, ít tiêu hao năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó cơ chế chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp trọng yếu, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như: cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin.
Về chính sách tài chính:
Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao được hưởng thuế suất Thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 15% áp dụng trong giai đoạn đến năm 2020. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính liên tục từ thời điểm có quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đến năm 2020 và kể từ thời điểm doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế. Phần lợi nhuận tăng thêm do được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 15% được sử dụng để tái đầu tư phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu như các doanh nghiệp thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Về chính sách tín dụng:
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 - 2020.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình, dự án phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 – 2020.
Về chính sách xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, khuyến công, phòng vệ thương mại:
Ưu tiên kinh phí cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, khuyến công, phòng vệ thương mại; phát triển thương mại điện tử; lựa chọn một số doanh nghiệp có năng lực xây dựng thí điểm một số kho ngoại quan, trung tâm phân phối hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài cho các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2014 - 2020.
Đối tượng thụ hưởng những ưu đãi từ đề án là những doanh nghiệp đáp ứng được bộ tiêu chí do đề án đề ra. Đề án đã được trình lên Chính phủ vào cuối tháng 2 và đang chờ Thủ tướng xem xét. Nếu được phê duyệt, những chính sách ưu đãi được Bộ Công Thương đề xuất sẽ là những cú huých lớn tiếp sức cho các doanh nghiệp đang dẫn đầu trong các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh trở nên lớn mạnh hơn, tăng cường sức cạnh tranh trước các đối thủ ngoại, đồng thời có sức lan tỏa hơn đến cộng đồng doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, giữ vững thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Uyên Lê