Lương doanh nghiệp Nhà nước cao hơn DN tư nhân tới 41%
Với mức lương trung bình đạt 7,04 triệu đồng/người/tháng, khối doanh nghiệp Nhà nước đang dẫn đầu về tiền lương năm 2015...
- 20-01-2016Mức lương 2015 tại Việt Nam tăng 8% so với 2014
- 19-01-2016Lương lao động ngành dầu khí giảm theo giá dầu thế giới
- 19-01-2016Lương "khủng" tại công ty xổ số: Sẽ xem xét để điều chỉnh hợp lý
Theo số liệu mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2015, mức lương bình quân của người lao động ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng; tăng khoảng 8% so với năm 2014.
Trong đó, vị trí quán quân vẫn thuộc về khối doanh nghiệp Nhà nước với mức lương trung bình đạt 7,04 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm trước. Tiếp theo là khối doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/người/tháng; tăng 6% và doanh nghiệp FDI ước đạt 5,47 triệu đồng/người/tháng; tăng 9%.
Như vậy, lương khối doanh nghiệp Nhà nước năm 2015 đang cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 41% và cao hơi khối doanh nghiệp FDI khoảng 29%.
Trao đổi với chúng tôi về mức chênh lệch tiền lương giữa các khối doanh nghiệp, một số chuyên gia trong ngành đều có chung nhận định, mặc dù khối doanh nghiệp FDI tạo ra doanh thu và lợi nhuận lớn hơn nhưng do sử dụng nhiều lao động phổ thông nên mặt bằng lương trung bình thấp hơn.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội từng chia sẻ với báo chí rằng, từ trước tới nay, thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI luôn cao nhất, thậm chí trong những năm gần đây, thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước còn vượt cả FDI. Điều này là do các doanh nghiệp Nhà nước thường có quy mô lớn.
“Trong nền kinh tế của chúng ta, 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 3% còn lại tập trung nhiều vào doanh nghiệp Nhà nước. Và theo nguyên tắc khu vực kinh tế quy mô thì tiền lương phải cao hơn, dù chúng ta vẫn cho rằng doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn” - bà Hương cho biết.
Xét theo ngành nghề, mức lương của ngành thương mại, dịch vụ cao nhất đạt 6,32 triệu đồng/người/tháng - tăng 8,8%. Tiếp đó là ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 3%. Ngành công nghiệp, xây dựng ước đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm ngoái.
Đáng chú ý, các ngành có dệt may, da giày do số lượng đơn hàng ổn định và tăng nên tiền lương của người lao động có mức tăng khá.
Cụ thể, mức lương của người lao động ngành dệt may đạt 4,54 triệu đồng - tăng 7,5%; mức lương ngành da giày đạt 4,5 triệu đồng - tăng 8,9%, chế biến thủy sản đạt 4,97 triệu đồng - tăng 4,9%; gỗ 5,23 triệu đồng, tăng 4,9-8,9% so với năm trước.
Theo lý giải của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2015 do tình hình sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm và chăm lo tốt hơn đến người lao động nên mức lương tăng cao hơn.
Trong khi đó, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2015, các ngành nghề như cao su, dầu khí... có doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của giá thế giới. Do đó, tiền lương của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, ngành cao su với khoảng 120.000 lao động, tiền lương năm 2015 giảm 4-5% so với năm 2014. Một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, do chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu nên tiền lương giảm bình quân 3-5% so với năm trước.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2015 ước đạt 79,3 triệu đồng, tương đương khoảng 3.657 USD/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tăng 6,4% so với năm 2014.