MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tụt dốc, vì đâu nên nỗi?

Tháng 3/2015 là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng của số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Nội dung nổi bật:

- Tháng 3/2015 là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng của số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

- Lý do gồm cả khách quan và chủ quan, những biến động trên thị trường trong nước và quốc tế đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến du lịch Việt.


Theo số liệu công bố từ Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong vòng 10 tháng qua tính từ tháng 6/2014 - 3/2015.

Cụ thể, tháng 3 vừa qua là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng của số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Đây chưa phải là tháng có mức giảm sâu nhất. Kỷ lục hiện thuộc về tháng 11/2014 với mức giảm lên đến 16,7% so với cùng kỳ năm 2013. Rất nhiều tháng chứng kiến mức giảm 2 chữ số. Một thống kê đáng báo động.

Theo số liệu thu thập trong vòng 1 năm của chúng tôi, tính từ tháng 4/2014 đến hết tháng 3/2015, sự suy giảm được đánh dấu từ cột mốc tháng 6/2014. Đáng chú ý, hai tháng liền trước đó (T4-T5/2014), số khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng lần lượt là 21,5% và 20,7% so với cùng kỳ năm 2013. Vậy nguyên do của sự suy giảm trầm trọng này là vì đâu?

Cột mốc tháng 5/2014 nhắc chúng ta nhớ đến những căng thẳng trên biển Đông diễn ra giữa năm ngoái. Biến cố này có lẽ là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường lớn từ Trung Quốc đối với du lịch Việt Nam. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2014, lượng khách Trung Quốc chiếm đến 33% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 7 tháng cuối năm 2014, tỷ lệ này còn 23%.

Bên cạnh đó, đồng rúp Nga mất giá, đồng eur giảm giá so với USD khiến chi phí du lịch của các du khách châu Âu bị đội lên. Đặc biệt, lượng khách đến từ thị trường Nga sụt giảm rất mạnh.

Từ những tháng cuối năm 2014, rất nhiều chủ khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp tại những điểm du lịch nóng như Nha Trang, Mũi Né đều "kêu trời" vì lượng khách nước ngoài giảm mạnh, đặc biệt là khách Nga từ 40 – 50%.

Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Thái Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Sputnik Tour, cho biết: Bình thường, một người Nga đến Nha Trang du lịch cần 1.500 USD để đi máy bay, ở khách sạn, tour tham quan và 500 USD để ăn uống, số tiền tương đương khoảng 60.000 rúp. Nhưng nay họ phải mất đến 100.000-140.000 rúp để chi trả cho các khoản trên. Điều này buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thẳng vào những yếu điểm mang tính cố hữu của du lịch của Việt Nam.

Một hãng lữ hành chia sẻ nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam hiện vẫn mang theo tâm lý bất an và dè dặt với các dịch vụ. Cụ thể, trong chương trình khuyến mại tặng quà miễn phí tại ga tàu cho những du khách quốc tế của công ty này lên đường tới Sapa, các du khách đã liên tục từ chối nhận quà vì sợ sau đó bị… đòi tiền. Khi được hỏi, những vị khách này chia sẻ rằng bạn bè hoặc bản thân họ đã từng đến Việt Nam và sử dụng một số dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những vật phẩm được nói là "cung cấp sẵn" thì lại bị thu phí, thậm chí là mức phí khá cao.

Những rào cản với khách du lịch đến Việt Nam có thể kể đến còn bao gồm cách quảng bá chưa chuyên nghiệp, điều kiện đi lại, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng và giá dịch vụ du lịch vẫn cao...

Có vẻ như, du lịch Việt đang trở nên vô cùng "mong manh" và dễ tổn thương khi những cơn sóng dữ bất thình lình ập đến.

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với ngành du lịch trong nước. Ngoài tổn hại trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và các dịch vụ ăn theo du lịch, đóng góp vào tốc độ phát triển chung của cả nước giảm, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia trong tương lai.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, ngành du lịch nên có những phản ứng tức thì để đối phó thì mới góp phần ngăn chặn đà sụt giảm, trước mắt là cho mùa du lịch vào dịp hè sắp tới và cuối năm nay.

Theo Phương Linh

 

PV

BIZ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên