MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luồng vốn chảy vào mạnh, kinh tế Việt Nam sẽ hấp thụ thế nào?

Câu hỏi trên được TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt ra tại buổi Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” diễn ra sáng 30/6 tại Hà Nội.

Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo", TS. Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực khi các chỉ số như GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, lạm phát tăng thấp nhất 10 năm...

Theo TS Chung, số doanh nghiệp thành lập mới tăng; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể giảm là một tín hiệu đáng mừng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản khởi sắc thông qua số liệu về giá trị giao dịch tăng, tồn kho giảm, dư nợ cho bất động sản tăng.

Ông Chung cũng nhấn mạnh, thị trường vốn có nhiều điểm đáng lưu ý khi thị trường chứng khoán được nới room cho các chủ thể có yếu tố nước ngoài. Theo đó, trừ một số doanh nghiệp bắt buộc hạn chế các yếu tố nước ngoài chỉ được sở hữu 49%, còn lại các chủ thể có yếu tố nước ngoài được tự do nới room tỷ lệ sở hữu các doanh nghiệp cổ phần của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thoái vốn mạnh mẽ khỏi một số ngành nghề và khẳng định của Ngân hàng Nhà nước về khả năng giải ngân nguồn tiền cũng là những tín hiệu tích cực.

Trên cơ sở đó, TS Chung dự báo, dưới tác động của việc nới room, trong 6 tháng cuối năm sẽ có một số điểm thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển kinh tế khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ông Chung cũng cảnh báo, trong quá trình hội nhập, luồng vốn đầu tư vào Việt Nam có thể tăng nhưng chúng ta không chủ động được lượng tiền và luồng tiền.

“Luồng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh vào, tuy nhiên kinh tế Việt Nam sẽ hấp thụ thế nào? Việc có hấp thụ được hay không luồng tiền đó thực sự là một thách thức với kinh tế 6 tháng cuối năm” – Vị đại diện CIEM đặt câu hỏi.

Ông Chung dự báo, trước dòng chảy vốn như vậy, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ nằm ở một trong 3 kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, nền kinh tế có tất cả những yếu tố như trong 6 tháng đầu năm bao gồm nguồn vốn lớn, các doanh nghiệp trong nước trỗi dậy, các thị trường hoạt động thuận lợi, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,1-6,2%; thậm chí cao hơn.

Kịch bản thứ 2 được cho là dễ xảy ra khi có những yếu tố không thuận lợi đan xen. Chẳng hạn, nguồn vốn không vận hành vào như mong muốn; một số yếu tố kinh tế quốc tế thuận lợi. Khi đó, mức tăng trưởng chỉ dao động quanh con số 6%, lạm phát có thể tăng cao hơn mức 6 tháng đầu năm các thị trường hoạt động tiệm tiến không khởi sắc.

Kịch bản thứ 3 được xem là kịch bản không mong muốn nhất khi kinh tế quốc tế không thuận, kinh tế trong nước khó khăn, các chỉ tiêu đạt được nhiều khả năng sẽ thấp hơn kỳ vọng.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên