MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong muốn và hiện thực

Mong muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (bao gồm cả sản xuất lẫn thị trường) không bao giờ là điều mới lạ, bởi hơn mười mấy năm qua, phát triển ngành công nghiệp này luôn được ưu tiên xem là một trong những ngành công nghiệp quan trọng với hàng trăm các cuộc hội thảo quy hoạch, chiến lược, các Nghị định, quy định…

 

Mong muốn, kỳ vọng lớn lao là vậy, nhưng có lẽ đã đến lúc xem lại điều mong muốn đó khi mà cơ hội phát triển ngành công nghiệp này gần như không còn. Có chăng, chỉ còn có cơ hội phát triển thị trường.

Bán “nòng cốt”

Một thông tin không mấy vui vẻ ngay từ những ngày đầu năm 2016 đối với khá nhiều người, nhất là những người quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô lâu nay là việc Tcty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã được bán cho Cty TNHH Motor N.A Việt Nam với mức giá 1.250,515 tỷ đồng.

Nói không mấy vui vẻ là bởi trong chặng đường gần 20 năm qua, Vinamotor được xem là một tên tuổi khá đình đám, phát triển mạnh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với hàng loạt các liên doanh và các Cty, nhà máy cơ khí, lắp ráp có tên tuổi ở nhiều tỉnh, thành.

Ở góc độ văn bản, chính sách về định hướng, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua thì đây là một trong 4 DN được lựa chọn là DN nòng cốt để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Dù có nhiều lợi thế, cả về chính sách lẫn thời cơ, thời điểm, nhưng sau một giai đoạn ngắn phát triển tương đối mạnh, Vinamotor cũng như mấy DN nòng cốt khác lại chững lại, không phát triển, thậm chí là đi xuống.

Hàng loạt các dự án (chủ yếu là các dự án lắp ráp xe tải, xe chuyên dùng) gặp khó khăn. Trong khi đó, cùng với các liên doanh, nhiều Cty tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh như Trường Hải – DN đi sau và không có lợi thế như Vinamotor, nhưng nhanh chóng trở thành DN duy nhất tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp đầy đủ tất cae các phân khúc xe từ thương mại, chuyên dùng đến du lịch, Hyundai Thành Công Việt Nam với nhà máy lắp ráp xe du lịch tại Ninh Bình…

Cũng đã có những giai đoạn, Vinamotor hợp tác, bàn bạc với nhiều đối tác lớn của nước ngoài để sản xuất, lắp ráp xe du lịch, chuyển giao và sản xuất động cơ theo đúng mục tiêu gia tăng nội địa hóa, là nòng cốt phát triển ngành công nghiệp này của Việt Nam, nhưng tất cả đều dừng lại ở đàm phán và dự định.

Buông xuôi, nắm giữ và những câu hỏi

Nếu xét đến thời điểm hiện nay, những doanh nghiệp được xác định là nòng cốt để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như không thực hiện được nhiệm vụ đặt ra là đầu tư mạnh vào sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thậm chí là lắp ráp, sản xuất động cơ.

Đương nhiên, điều này không có nghĩa là những DN này làm ăn, kinh doanh không tốt. Xét ở góc độ kinh doanh, buôn bán, phân phối, những DN này vẫn phát triển đều. Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc bán Vinamotor cho một DN khác thì liệu Vinamotor có tiếp tục “cuộc chơi” trong lĩnh vực này ?

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định là khó, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay khi xe nhập khẩu nguyên chiếc đã trở thành xu hướng không thể ngăn cản được. Và như vậy, nếu chủ mới của Vinamotor có giữ nguyên chức năng làm ô tô thì cũng chỉ tập trung vào việc kinh doanh, phân phối, rất khó để phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng. – một chuyên gia khẳng định.

Không chỉ riêng Vinamotor, mà những DN ô tô trong nước cũng đều chuyển hướng trọng tâm của mình sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, hạn chế đầu tư mới.

Nếu như hầu hết các DN đều muốn buông xuôi trong việc đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng thì họ lại đang nắm giữ hoàn toàn thị trường ô tô Việt với tốc độ tăng trưởng mạnh và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Trong năm 2015, thị trường ô tô Việt đạt mức kỷ lục về tiêu thụ với gần 250 nghìn xe được bán ra. Trong đó, nhập khẩu ô tô gần 6 tỉ USD, tăng 59% so năm 2014, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu lên tới 125.000 chiếc, giá trị 3 tỉ USD, tăng 77% về lượng và 88% về giá trị so năm trước.

Ở góc độ khác, dù nhu cầu lớn, tiêu thụ mạnh, nhưng giá của các loại xe lại vẫn cao ngất ngưỡng, nếu không muốn nói là từ xưa đến nay, chỉ có tăng, không giảm. Tại sao? Bởi giá cao hay thấp đều phụ thuộc vào quyết định của chính các DN, những tập đoàn ô tô lớn đang có mặt tại Việt Nam – những DN có thể sẽ buông xuôi đầu tư cho sản xuất linh kiện phụ tùng, nhưng lại quyết liệt giữ thị trường.

Từ đó, có thể nói hơn 20 năm qua, thị trường ô tô Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, nhưng ngành công nghiệp ôtô Việt đang ở đâu, đi về đâu là câu hỏi đau đáu suốt 20 năm qua chưa được trả lời. Và có lẽ nó chỉ được trả lời dứt khoát vào năm 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0%. Trong đó, những động thái đơn lẻ như bán các DN ô tô từng được xem là nòng cốt, gia tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc trong năm 2015, 2016 sẽ là biểu hiện rõ nhất.

Theo Linh Nguyễn

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên