Một chiếc xúc xích đang bị 7 Bộ quản lý
Như quy định hiện nay, luật chuyên ngành sẽ gặm nhấm luật Doanh nghiệp. Không những thế, luật này chồng chéo và mâu thuẫn luật kia đã làm hạn chế khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Mai Huy Tân – chủ tịch HĐQT của CTCP xúc xích Đức Việt than rằng “một cái xúc xích của tôi đang phải chịu đến 7 bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính với Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ công thương và cả… Bộ công an.”
Ông Tân cho biết, gần đây khi công an môi trường đến kiểm tra công ty xúc xích Đức Việt và không phát hiện sai phạm gì khi các chỉ số thanh tra đều đạt yêu cầu. Bất ngờ một cán bộ công an môi trường phát hiện ra tại khu vực chứa chất thải của công ty, rác thải được đựng trong thùng chứa màu xanh, có ghi chữ màu đỏ “tập kết rác thải”. Theo quy định, thùng chứa rác thải phải là màu đỏ. Vì vậy, công ty bị phạt tội thùng chứa không đúng màu!
Ông Tân thể hiện sự bức xúc trước cách làm việc máy móc và cho rằng đây là việc “hành là chính” đối với doanh nghiệp. Theo ông Tân, ở Mỹ, một doanh nghiệp thực phẩm như xúc xích chỉ chịu quản lý của cục quản lý dược phẩm và thực phẩm.
Câu chuyện về chiếc xúc xích của ông Mai Huy Tân nhấn mạnh lại những tồn tại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam mà nhiều tổ chức quốc tế đã nhắc đến. Đó là sự phiền hà trong thủ tục hành chính và chồng chéo trong quản lý mà một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là luật pháp còn nhiều bất cập.
Hiện nay, cơ sở để cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động là luật Doanh nghiệp 2005. Trước sự thay đổi của nền kinh tế, Chính phủ đang thực hiện dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi và đã có bản dự thảo lần 4.
Một vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp quan tâm là quan hệ giữa luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành. Phân định rõ mối quan hệ này, biết đâu doanh nghiệp thực phẩm như xúc xích Đức Việt có thể giảm được một bộ quản lý. Hơn nữa, nếu ban hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi mà luật chuyên ngành không sửa thì cũng không giải quyết được điều gì vì khi ra tòa án chẳng hạn, Hội đồng xét xử cũng nghiêng về sử dụng luật chuyên ngành hơn là luật Doanh nghiệp.
Theo tiến sỹ Vũ Xuân Tiền – Trưởng ban Tư vấn và phản biện Chính sách Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam thì như quy định hiện nay, luật chuyên ngành sẽ gặm nhấm luật Doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp sinh ra là nhằm tạo cho Doanh nghiệp quyền tự do kinh doanh trong một hàng lang pháp lý để phát huy tốt nhất vai trò xây dựng kinh tế. Thế nhưng với các luật chuyên ngành, nhiều quy định nhỏ hơn ra đời “đi vào từng ngóc ngách” của các hoạt động. Không những thế, luật này chồng chéo và mâu thuẫn luật kia đã làm hạn chế khả năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiến sỹ Vũ Xuân Tiền cho rằng nếu cứ tư duy như vậy, đến một lúc nào đó có khi sẽ xuất hiện quy định “muốn kết hôn thì phải tuân theo quy định nữ thấp hơn nam” hay tương tự….
Có ý kiến kiến nghị rằng tất cả các điều kiện kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh đều phải quy định trong luật Doanh nghiệp, không chuyển vào luật chuyên ngành nữa. Tuy nhiên, đó mãi mãi chỉ là kiến nghị. Theo tiến sỹ Tiền, để hạn chế điều này, nên chăng tất cả các điều kiện kinh doanh chuyển cho Quốc hội quyết định chứ không phải do Chính phủ nữa. Bởi vì Chính phủ là cơ quan hành pháp cơ quan hành pháp luôn có xu hướng “thích bày ra quy định, thủ tục” để tạo thuận lợi cho công tác quản lý của họ.
Một ví dụ cụ thể hơn về mối quan hệ giữa luật Doanh nghiệp và luật chuyên ngành, là câu chuyện tại một công ty cổ phần tại Thái Bình. Đây có thể hiểu là CTCP nội bộ vì các thành viên ban lãnh đạo đều là người trong gia đình. Theo Luật kế toán, Kế toán trưởng không được là người có liên quan của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc nhưng tại công ty này, tổng giám đốc – ông S. nhất quyết cho rằng “công ty không sai mà luật sai” bởi vì “cơ ngơi này” không thể giao cho người nào khác ngoài con gái ông làm kế toán trưởng.
Như vậy, có những quy định chung dành cho CTCP nhưng không thể áp vào được CTCP nội bộ. Đến lúc nào đó, các loại CTCP, cả công ty nội bộ như trên cũng “đá hết” sang cho luật chứng khoán và luật này trở nên rườm rà còn Luật Doanh nghiệp với tính chất là luật mẹ trở nên hạn chế.
“Việt Nam là nhà nước pháp chế chứ không phải pháp quyền. Pháp chế là luật đã ban hành thì cứ theo luật mà làm, còn pháp quyền là nếu luật ảnh hưởng đến quyền của công dân thì không được thực hiện. Thế nên câu chuyện này còn dài và hy vọng sẽ khắc phục được trong tương lai.” – Tiến sỹ Tiền nhận xét.
Ông Hà Mạnh Tiến - chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cũng bày tỏ:
“Trong một văn bản luật, rất nhiều từ ngữ chỉ mù mờ 1 tí, lắt léo 1 tí là có thể đẩy chúng ta vào vòng tù tội. Sửa đổi luật Doanh nghiệp 2005 là dịp để đánh giá, nghiên cứu và đề xuất. Mọi việc không thể giải quyết chỉ bằng luật Doanh nghiệp nhưng thêm được cái gì thì đỡ được cái đó…”
Bảo Linh